Apple có thể chưa đi đến đường cùng ngay trong vài năm tới, nhưng rất có thể đang ở trong đúng tình thế mà Jobs đề cập: Các quyết định quan trọng trong công ty được những người làm kinh doanh chứ không phải người làm sản phẩm đưa ra, đồng nghĩa với việc họ sẽ nhắm đến lợi nhuận nhiều hơn là lợi ích của chính những khách hàng trung thành.
Steve Jobs: The Lost Interview là đoạn phim tài liệu ghi lại một cuộc phỏng vấn đặc biệt mà MC Robert Cringely từng thực hiện với Steve Jobs cho chương trình Triumph of the Nerds. Sở dĩ nó mang tên “The Lost Interview” cũng là vì những người thực hiện từng đinh ninh đoạn băng ghi đã bị thất lạc trên đường vận chuyển từ London về Mỹ trong thập niên 90. Thật may mắn là rất nhiều năm sau, họ đã tình cờ tìm lại được nó.
Cuộc phỏng vấn 70 phút này đặc biệt trên rất nhiều phương diện. Đó là thời điểm năm 1995, 10 năm sau khi Steve Jobs bị John Sculley – vị CEO đương nhiệm của Apple gạt ra khỏi chính công ty ông sáng lập do những bất đồng về hướng điều hành công ty. Năm 1995, Jobs ở trong tình thế hết sức “thảm thương”: công ty nhỏ NeXT ông mới thành lập đang gặp khó khăn, trong khi đối thủ Bill Gates thì đã dùng ý tưởng của Apple để thôn tính thị trường máy tính cá nhân.
Đây là cuộc phỏng vấn đặc biệt mà MC Robert Cringely từng thực hiện với Steve Jobs cho chương trình Triumph of the Nerds.
Thế nhưng chỉ 2 năm sau đó, NeXT đã được Apple mua lại và Jobs quay về làm CEO của Táo khuyết. Đây cũng là đoạn phỏng vấn đầy đủ và đáng giá nhất trong đó Jobs thể hiện hết sự cuốn hút, chân thực cũng như tầm nhìn lớn của ông về thị trường điện toán trong tương lai – thứ mà những đoạn phỏng vấn về sau chưa bao giờ khắc họa được.
Tuy nhiên, thứ làm người ta chú ý ở cuộc trò chuyện không chỉ là thần thái tuyệt vời của Jobs mà còn là đoạn ông nói về nguyên nhân thất bại của các công ty công nghệ khổng lồ. Đó là khi MC hỏi về lý do tại sao Jobs nghĩ Xerox (rất hùng mạnh lúc bấy giờ) lại tự phá hủy công nghệ máy tính mà ông từng cho là vô cùng ưu việt và đi trước thời đại của họ. Những lý giải của Jobs trong cuộc phỏng vấn cho thấy sự tương đồng trong câu chuyện của Xerox với câu chuyện của chính Apple không chỉ dưới thời CEO John Sculley mà còn vô tình dự đoán được cả thời Tim Cook hiện nay.
Cụ thể, ông cho rằng, một khi đã nắm thế áp đảo và gần như độc quyền trên thị trường, các công ty công nghệ sẽ tăng trưởng chậm lại và dễ rơi vào tầm lãnh đạo của các chuyên gia marketing hay sales – những người có thể giúp công ty bành trướng rộng thêm nhưng lại không có hiểu biết về kỹ thuật. Trong khi đó, các kỹ sư đứng sau sản phẩm thì mất dần tiếng nói trong những lần đưa ra quyết định.
Đây chính điểm châm ngòi cho sự hủy diệt của những gã khổng lồ.
Lối lãnh đạo đặt lợi nhuận lên trên chất lượng sản phẩm với một vị CEO thiếu hiểu biết kỹ thuật có thể vẫn hiệu quả ở những công ty không tồn tại bằng đột phá sáng tạo như PepsiCo, nhưng chắc chắn sẽ giết chết các công ty công nghệ mà Apple 10 năm dưới quyền John Sculley chính là ví dụ điển hình. Mặc dù là một doanh nhân tài năng và có nhiều thành tựu ở PepsiCo nhưng John Sculley cũng được xếp vào danh sách 10 CEO tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ sau những thất bại ông gây ra cho Apple. Chúng tôi cũng từng bàn luận về lối điều hành kiểu Sculley trong bài viết: “Tim Cook chính là Steve Ballmer phiên bản 2 và cũng rất có thể sẽ đưa Apple vào vũng lầy trước đây của Microsoft”.
Nguyên văn lời của Steve Jobs trong video:
“Sau khi nghiệm ra từ chuyện của John Sculley thì tôi cho là tôi khá hiểu trường hợp của họ. Vấn đề của John Sculley là ông ấy đến từ PepsiCo, nơi có lẽ phải 10 năm mới thay đổi sản phẩm một lần, kiểu chỉ thay kích cỡ chai lớn hơn thôi ấy. Chính vì thế mà ở PepsiCo, nếu là một người làm sản phẩm, bạn sẽ khó lòng có tiếng nói trong việc hoạch định hướng đi của toàn công ty. Ai là người định đoạt thành công của PepsiCo? Chính là những người làm sales – marketing. Đây mới là những người được đề bạt nên nắm quyền kiểm soát công ty. Tại PepsiCo thì chuyện này không có vấn đề gì, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở các công ty công nghệ bắt đầu chiếm thế độc quyền trên thị trường, như IBM hay Xerox.
Nếu bạn là người phát triển sản phẩm ở IBM hay Xerox thì bạn chỉ có việc là làm ra một chiếc máy in hay máy tính tốt hơn thôi. Vậy thì sao? Khi mà công ty bạn đã độc quyền thị trường rồi thì nó chẳng thể nào thành công hơn được nữa. Những người có thể khiến nó thành công hơn lại là những người làm marketing – sales, và cuối cùng họ lại là người lên lãnh đạo công ty. Những người làm sản phẩm bắt đầu mất dần tiếng nói trong các cuộc bàn bạc đưa ra quyết định, rồi công ty đó sẽ nhanh chóng quên đi việc làm thế nào để cho ra những sản phẩm tuyệt vời.
Những yếu tố tinh tế trong sản phẩm từng giúp họ đạt được thế thống trị trên thị trường nay sẽ dần bị loại bỏ bởi những người điều hành công ty chẳng hiểu thế nào là sản phẩm tốt hay không tốt. Họ không có chút ý niệm nào về những gì cần có để biến ý tưởng hay thành sản phẩm tốt. Trong thâm tâm, họ cũng chẳng thực sự muốn giúp khách hàng. Đây chính là những gì đang diễn ra tại Xerox”.
Apple có thể chưa đi đến đường cùng ngay trong vài năm tới, nhưng rất có thể đang ở trong đúng tình thế mà Jobs đề cập.
Tất nhiên, nhiều người có thể tranh cãi rằng dù thế nào thì Apple vẫn đang là một gã khổng lồ thống trị thị trường công nghệ. Điều này không hề sai. Thế nhưng chúng ta không thể không có cảm giác rằng Táo khuyết đang yếu thế dần đi qua từng lần ra mắt sản phẩm mới các năm qua, đặc biệt là trong những năm họ giới thiệu các dòng S với quá ít cải tiến. Và rồi năm nay, iFan lại đau lòng chứng kiến những jack tai nghe, cổng Magsafe đồng loạt biến mất và bị thay thế bởi những thứ phụ kiện đắt đỏ rườm rà.
iPhone và Macbook đáng ra có thể là những tuyệt tác hoàn hảo nếu như không có những sửa đổi đi ngược lại mong muốn của người dùng hay những thứ sáng tạo nên có thì lại không được đưa vào. Ngay cả thiên tài thiết kế nhưJony Ive cũng được đồn đoán là đã không còn trực tiếp thiết kế iPhone và bước một chân ra khỏi Apple rồi. Khác là lần này, chẳng còn thánh nhân nào như Steve Jobs quay về cứu họ nữa.
Apple có thể chưa đi đến đường cùng ngay trong vài năm tới, nhưng rất có thể đang ở trong đúng tình thế mà Jobs đề cập: Các quyết định quan trọng trong công ty được những người làm kinh doanh chứ không phải người làm sản phẩm đưa ra, đồng nghĩa với việc họ sẽ nhắm đến lợi nhuận nhiều hơn là lợi ích của chính những khách hàng trung thành. Và khi đó, những nhận định của Steve Jobs rất có thể sẽ thành hiện thực trong khoảng 10-15 năm tới. Tương lai Apple liệu có lại phủ một màu xám như thời Sculley?