Sự tủi thân của người vợ trẻ trước sự phân biệt đối xử của chồng với gia đình mình

Sự tủi thân, tự ti của người vợ trẻ trước những lời nói cay nghiệt của chồng

Tôi là một độc giả thường xuyên của chuyên mục, gần đây tôi có đọc được tâm sự của một chị nói rằng mẹ chồng nói mang tiền về cho bố mẹ đẻ là không thể chấp nhận được. Tôi cũng đang có cùng cảm xúc với chị và rất muốn được chia sẻ. Nhưng mâu thuẫn và khúc mắc của tôi chẳng phải ở mẹ chồng mà chính là ở người chồng của mình. Có tưởng tượng được không khi anh một con người có học thức, có suy nghĩ thậm chí có địa vị xã hội lại có thể thốt ra những câu nói khiến tôi chán nản vô cùng. Nhưng tôi chỉ biết ngậm ngùi, giận hờn thôi mà chẳng biết phản kháng kiểu gì khi thân phận tôi đang là kẻ ăn bám, là người được anh nuôi, chu cấp.

Tôi năm nay 22 tuổi, mới tốt nghiệp đại học tôi vội vã kết hôn với chồng- một người đàn ông hơn 9 tuổi, là cán bộ của một cơ quan nhà nước. Hơn nữa, chúng tôi có 2 năm yêu nhau nên tôi gật đầu đồng ý làm vợ anh không chút do dự. Nhưng cuộc sống hôn nhân và khi yêu nhau nó khác xa nhau nhiều quá. Từ một người đàn ông luôn quan tâm, chăm sóc và lãng mạn khi trở về sống cùng nhau, anh trở nên khô cứng, gia trưởng. Lúc nào anh cũng đăm chiêu, trầm tư như có điều gì suy nghĩ. Nhiều lần gặng hỏi nhưng anh chỉ nói “công việc mệt mỏi em không biết được đâu”. Tôi co mình lại với những lo toan, những công việc gia đình mà quên đi tuổi thực của mình. Mới 6 tháng làm vợ và ở nhà thôi mà tôi già đi trông thấy, tôi tự ti về hình dáng sồ sề của mình khi mang thai nên gần như chẳng ra ngoài. Chỉ quanh quẩn cơm nước, chợ búa. Mọi chi tiêu tiền bạc trong nhà chồng tôi lo hết, tôi chỉ ngày 2 bữa đi chợ, dọn dẹp, cơm nước cho anh. Chồng tôi không phải là người keo kiệt, quản lắm về chuyện tiền nong nhưng tôi cũng không thấy thoải mái vì tiền chủ yếu bỏ trong thẻ của anh. Tôi tiêu gì rút đều có tin nhắn báo về điện thoại. Chẳng hiểu sao là vợ chồng rồi nhưng tôi ngại lắm, tôi sợ một ngày nào đó anh vô tình hỏi “tiêu gì mà rút tiền nhiều thế” nên giữ ý chỉ nói anh đi rút khi cần mà tuyệt nhiên tôi không tự rút bao giờ. Tư tưởng của một kẻ ăn bám, vô công rồi nghề choán hết tâm trí tôi. Lúc nào tôi cũng sợ những ánh mắt cái nhìn về phía mình. Chí ít tôi cũng học hết đại học, vậy mà chịu cảnh ở nhà, chẳng công ăn việc làm gì. Những lúc tôi buồn chồng cũng động viên nói khi nào sinh con 1 tuổi anh sẽ tìm việc. Tôi trông chờ ngày đó sao mà lâu quá, giờ tôi có bầu 6 tháng, nhìn chung ngoài tự ti và suy nghĩ tiêu cực của mình ra thì cuộc sống của vợ chồng tôi đều ổn thỏa. Cho đến hôm vừa rồi, có một xích mích, khiến tôi buồn, thất vọng và suy nghĩ nhiều.

Sự tủi thân, tự ti của người vợ trẻ trước những lời nói cay nghiệt của chồng
Anh nói nếu tôi không hài lòng có thể về ăn tết với bố mẹ đẻ

Hai vợ chồng tôi bàn chuyện đi tết bố mẹ hai bên. Vì là năm đầu tiên làm dâu, đón tết ở cương vị là vợ là con dâu nên tôi rất lo lắng, muốn sao cho chu toàn. Tôi muốn đi tết bố mẹ hai bên như nhau, ngoài ra còn muốn mua sắm về nhà bố mẹ chồng một số đồ mới. Nhưng chồng tôi nói “em có biết vẽ ra như thế tốn kém lắm không? tiền ở đâu ra mà em bày vẽ”. Tôi hơi sốc vì câu nói đó, giải thích là mua về nhà mẹ chồng chứ không phải nhà tôi thì anh nói “biết rồi, ý anh là bố mẹ em ấy, ông bà ở quê, khách khứa mấy mà bày đặt mua đồ đắt tiền. Chỉ bánh mứt bình thường và biếu mỗi người 500 ngàn là được. Còn nhà mình và nhà bố mẹ, nhiều khách sang trọng thì nên mua như em nói”.

Tôi buồn và như không tin vào những điều mình vừa nghe thấy. Hóa ra anh khinh bố mẹ tôi nghèo, không có khách khứa sang trọng nên so đo, chỉ muốn đem về những thứ rẻ tiền, tầm thường sao. Trong khi bố mẹ anh đều có lương, gia đình khá giả thì phải mua sắm đủ thứ sang trọng đắt tiền, lại còn mừng tuổi mỗi người 1 triệu tiêu tết. Còn bố mẹ tôi, chỉ bánh mứt và 500 ngàn thôi sao. Nước mắt tôi chực rơi khi nghe những lời ấy từ anh. Tôi bức xúc nói với anh, dù gì cũng phải công bằng cả hai bên, đừng bên trọng bên khinh như vậy. Vì bố mẹ tôi nghèo nên càng phải chu đáo để ông bà mở mày mở mặt với hàng xóm, bạn bè. Nhưng chồng vẫn khăng khăng nói tôi yêu sách, bày vẽ. Tôi buồn lắm, giá như, tôi đã đi làm thì có thể tự lực mua sắm cho bố mẹ những thứ tốt hơn để ông bà đỡ tủi thân. Nhưng đằng này, thân tôi còn phải phụ thuộc vào anh thì mong gì bố mẹ tôi được an ủi. Tôi òa khóc phần vì tủi thân, phần vì uất nghẹn với thái độ của chồng. Thấy tôi khóc, anh quát lớn “sao phải khóc, anh nói thế có gì sai. Em nghĩ xem, một mình anh kiếm tiền thì lấy đâu ra. Muốn mua sắm nhiều cho bố mẹ em thì để sang năm em đi làm rồi tính”. Tôi nói không phải việc sắm nhiều, ít hay sang và không sang mà chủ yếu là thái độ của anh. Anh rõ ràng bên trọng bên khinh, đáng ra bố mẹ hai bên phải như nhau mới đúng. Hóa ra anh chỉ coi trọng bố mẹ anh còn bố mẹ tôi chẳng là gì. Tôi chẳng nhớ rõ mình đã nói những gì nhưng tôi giật mình rồi im bặt khi anh lớn tiếng “nếu không hài lòng, em cứ về ăn tết với bố mẹ em. Anh không giữ”.

Sự tủi thân của người vợ trẻ trước sự phân biệt đối xử của chồng với gia đình mình

Tôi vào phòng đóng cửa khóc cho hết những ấm ức trong lòng nhưng chẳng thể nguôi ngoai. Tôi thương bố mẹ và tự trách bản thân mình quá. Giá như tôi thể tự lập kinh tế xong hãy cưới chồng thì chẳng ra cơ sự như hôm nay, cả tôi và bố mẹ chẳng phải ấm ức vậy. Mấy ngày qua, hai vợ chồng tôi chẳng nói chuyện. Tôi thì thấy chồng quá đáng và dường như anh cũng thấy những đòi hỏi của tôi là quá đáng nên không thèm nói thêm gì. Tôi thấy anh mua sắm rất nhiều nhưng mỗi thứ chỉ 1 phần, có lẽ anh vẫn chỉ sắm cho nhà mẹ đẻ, còn bố mẹ tôi cận ngày về quê thì mua trên đường về. Nhìn quà cáp và sự lầm lì của anh mà tôi thấy nghẹn đắng.Tôi biết phải làm thế nào để chồng thay đổi suy nghĩ, cứ như thế này tôi buồn và thương bố mẹ mình vô hạn. Xin mọi người hãy chia sẻ và cho tôi lời khuyên để thay đổi chồng mình.

Hà Trang

Xem thêm:

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.