Sông và núi có thể dịch chuyển vị trí theo thời gian, nhưng với tốc độ gần nửa km mỗi năm thì khoa học chưa từng thấy. Nhưng đó lại chính xác là những gì đang xảy ra với một cụm hồ bí ẩn ở Nam cực. Lạ kỳ hơn, những hồ này dường như còn di chuyển nhanh hơn cả thềm băng ngầm bên dưới.
>>>Sông băng ở Nam cực đang tan chảy với tốc độ nhanh chóng
Theo NewScientist, 11 chiếc hồ nói trên nằm ở rìa thềm băng George IV, một thềm băng nổi hình quả chuối kẹp giữa Bán đảo Nam cực và Đảo Alexander. Chúng được tìm thấy lần đầu vào những năm 70 nhưng mãi cho tới năm ngoái, hiện tượng “di trú” kỳ lạ mới được phát hiện.
Hiện tượng 11 hồ đồng loạt dịch chuyển gần nửa cây
số mỗi năm là chưa từng thấy ở đâu khác trên thế giới.
Tiến sĩ Douglas Macyeal của Đại học Chicago giao cho các sinh viên của mình một bài tập “tẻ nhạt” là số hóa các bức ảnh chụp vệ tinh của hồ ở Nam cực. Một nữ sinh viên có tên Claire LaBarbera chính là người đã nhận thấy sự dịch chuyển của cụm hồ từ năm này qua năm khác. “Ban đầu tôi nghĩ, đúng là một sự tò mò ngộ nghĩnh”, Tiến sĩ MacAyeal kể lại. Sau đó, ông đã quan sát kỹ hơn và nhận ra, đúng là các hồ đang dịch chuyển với tốc độ nhanh gấp 5-10 lần thềm băng, và theo một hướng hoàn toàn khác.
“Đây là hiện tượng có lẽ không tồn tại ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới”, ông bình luận.
Tiến sĩ MacAyeal tin rằng, lời giải thích nằm ở vị trí khác thường của bản thân thềm băng George IV: mắc kẹt trong một “kênh” nhỏ giữa đảo Alexander và vùng đất Nam cực. Khi thềm băng ép vào kênh, rìa bên ngoài của nó sẽ oằn lại thành một loạt các vùng trũng và gò cao. Loạt hồ rơi vào khu vực trũng. Thềm băng xô vào đảo Alexander theo một góc xiên nên phần cuối mỗi vùng trũng sẽ quét dọc theo bờ biển, kéo theo cả vùng hồ đi theo.
Thông thường, nước dâng cao phía trên thềm băng là dấu hiệu cho thấy các thềm băng sắp đổ sập, bởi nước có thể làm nới rộng những vết nứt sẵn có bên trong băng.
Tuy nhiên, chuyên gia Neil Glasser của Đại học Aberystwyth (Anh) tin rằng thềm băng George IV khó vỡ trong tương lai gần, bởi nó đã được cố định bởi hai bên thềm đá của “kênh”.
Theo Newscientist, Vietnamnet