Từ nghiên cứu về tầng đất bên dưới tại các vùng rừng xuất hiện nhiều hươu, nai, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Cornell (Mỹ) đã kết luận rằng, sự gia tăng số lượng của các loài động vật này đang cản trở tốc độ phát triển tự nhiên của rừng.
Kết luận trên được công bố trong một nghiên cứu mới của nhóm, xuất bản trên tạp chí PloS ONE số ra đầu tháng 3/2014.
Sự gia tăng số lượng hươu, nai đe dọa tương lai của những cánh rừng (Nguồn ảnh: Smscs.com)
Theo ông Anurag Agrawal, đồng tác giả nghiên cứu thì: “các quần thể hươu, nai đang làm chậm tiến trình thay thế tự nhiên của rừng thông qua việc gây xáo trộn môi trường trong đất và tàn phá các “ngân hàng” hạt giống tự nhiên của đất”.
Đặc biệt, hươu, nai vốn thích ăn những loài cây thân gỗ bản địa thay vì những loài xâm lấn. Chính điều đó đã tạo điều kiện cho những loài ngoại lai sinh sôi phát triển, còn những loài bản địa ngày càng suy giảm.
Thông thường, trong quá trình rừng trưởng thành, cỏ dại sẽ nhường chỗ cho thảo mộc và cây bụi, sau cùng cây mới dần dần bén rễ. Song thực tế, khi các quần thể hươu, nai ở khu vực đông bắc nước Mỹ ngày càng tăng lên, quá trình phát triển của rừng đã mau chóng bị chững lại, chỉ có các bụi cây gai, tú cầu và tường vi dễ dàng mọc lên. Ngược lại, khi hươu, nai rời khỏi những cánh rừng thì các loài cây như bông, bồ kết ba gai hay cây sơn sẽ có cơ hội nảy mầm và sinh sôi.
Nhóm nghiên cứu cho biết, hành vi gặm chồi, lá non của hươu, nai có thể gây ra những tác động nghiêm trọng, dẫn tới tình trạng đất trống, rừng trọc, sinh khối thực vật của rừng giảm mạnh, mật độ các loài cây thân gỗ thưa thớt hơn và số lượng loài bản địa ngày càng ít đi.
Tuy nhiên, ông Antonio DiTommaso, thành viên nhóm nghiên cứu nhìn nhận: “những tác động nói trên chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm, còn rất nhiều tác động tiêu cực khác nằm bên dưới tầng đất mặt. Ở đó, chúng ta hầu như không thấy hạt giống của các loài cây thân gỗ, thay vào đó chỉ thấy hạt giống của các loài xâm lấn mà thôi”.
Theo Thien Nhien