Sự hồi sinh khó tin của loài bướm xanh tại Anh

Để tái sinh loài bướm xanh từng bị tuyên bố tuyệt chủng, các nhà khoa học Anh kỳ công phát quang một vùng đồi rộng lớn, đem lại môi trường sống quen thuộc cho kiến đầu đỏ, thức ăn quan trọng của loài bướm này.

Bị tuyên bố tuyệt chủng, nhưng sau 30 năm, loài bướm xanh bướm xanh tuyệt đẹp ở Anh gây ngạc nhiên khi trở lại với số lượng lên tới khoảng 20.000 con.

Theo các nhà khoa học tại Anh, bướm xanh là loài vật “khó chiều” nhất thế giới. Có ý kiến đổ lỗi sự biến mất của chúng là do những người săn bướm. Tuy nhiên, nhóm các nghiên cứu đứng đầu là giáo sư Jeremy Thomas từ ĐH Oxford và Trung tâm sinh thái và thủy học cho biết: sự biến mất của những sườn đồi nơi kiến đỏ sinh sống mới chính là lý do dẫn đến sự tiệt chủng của loài bướm xanh lớn.

Loài bướm xanh tái xuất hiện ở Anh sau 30 năm vắng bóng.

Sâu bướm xanh phóng ra một chất độc từ da của chúng, đánh lừa những con kiến và khiến chúng nghĩ rằng chúng đã mất tổ. Những con sâu sau đó tạo kén và sống trong tổ của những con kiến trong vòng 10 tháng trước khi thành bướm vào mùa xuân. Bướm lớn chỉ có thể sống ở sườn đồi nhiều cỏ và bãi cỏ có loài kiến đỏ làm tổ.

Vì người nông dân ngừng việc thả vật nuôi trên sườn đồi nên cỏ ở vùng đó mọc lên rất nhanh. Cỏ dài và đất đầy bụi rậm làm cho kiến đỏ mất đất sinh sống. Vì không có đủ kiến nuôi sống ấu trùng nên loài bướm xanh chết vào năm 1979.

Bởi vậy, trong vòng 25 năm trở lại đây, những nhà bảo tồn dọn sạch các bụi rậm và đưa kiến đỏ đến sinh sống tại 33 sườn đồi ở Tây Nam. Sau đó, vào những năm 1980, loài bướm xanh lớn nhập khẩu từ Thụy Điển được thả lỏng ở những cánh đồng tái sinh. Sự sắp đặt này đã rất thành công và hiện nay, số lượng bướm xanh ở Anh nhiều hơn cả năm 1950.

Nhà nghiên cứu David Attenborough nói rằng: “Sự phục hồi của những con bướm xanh lớn ở Anh là một thành công đáng kể, phản ánh sức mạnh của nghiên cứu sinh học bảo tồn sau những thay đổi của môi trường”.

Trong một bản báo cáo từ giáo sư Thomas đăng trên báo Khoa học có nói đến việc một số loài động vật khác hưởng lợi từ bướm xanh. Nhiều vùng đồi ghi nhận sự gia tăng số lượng các loài chim, thực vật hiếm và loài bướm khác. Giáo sư Nigel Bourn, thuộc nhóm tình nguyện bảo vệ các loài bướm, nhận định: “Dự án tuyệt vời đã chứng minh, loài người hoàn toàn có thể phục hồi “.

 

Theo Báo Đất Việt (Daily Mail)