Sự kỳ bí của các đám mây dạ quang

Sự kỳ bí của các đám mây dạ quang

Theo Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA), các đám mây dạ quang trông giống như “những bóng đèn địa vật lý” bật sáng mỗi năm vào cuối mùa xuân và có thể xuất hiện trong nhiều buổi tối vào các tháng mùa hè. Hãy cùng trang Discovery chiêm ngưỡng các bức ảnh cho thấy vẻ đẹp tuyệt mỹ của những đám mây kỳ lạ này.

Tên gọi của các đám mây dạ quang có thể hé lộ về nguồn gốc cũng như sự xuất hiện của chúng. Đây là những đám mây phát sáng một cách kỳ lạ vào ban đêm, ở vị trí thấp về phía bắc hoặc phía tây đường chân trời. Chúng dường như xuất hiện mạnh mẽ nhất sau các giai đoạn kéo dài của hoạt động năng lượng mặt trời thấp. Vì lý do này, chúng còn có tên gọi là “các đám mây tỏa sáng về đêm”.

Sự kỳ bí của các đám mây dạ quang

Mặt trời đang từ từ thức dậy sau một thời gian yên ắng kéo dài lê thê, vì vậy trong những tuần tới chúng ta có thể được chứng kiến cảnh tượng ngoạn mục mà theo một số người dự đoán có thể là cuộc trình diễn tuyệt nhất trong 100 năm qua.

Các đám mây dạ quang được cho là cấu thành từ những tinh thể băng có vị trí cao trong bầu khí quyển, ở độ cao khoảng 83km (thuộc tầng trung lưu), nơi 99,99% khí quyển nằm ở phía dưới. Chúng nằm ở rìa không gian và bí ẩn bao quanh sự hình thành của chúng do tầng trùng lưu được cho là khô hạn hơn sa mạc Sahara gấp 1 triệu lần!

Sự kỳ bí của các đám mây dạ quang

Quá trình hình thành bất kỳ đám mây nào cũng đòi hỏi phải có hơi nước và các hạt bụi cực nhỏ để hơi nước ngưng tụ xung quanh – một quá trình gọi là cấu tạo hạt nhân. Bất chấp sự khô hạn ở các độ cao như trên, hoạt động đối lưu có thể mang hơi nước bốc cao lên tầng trung lưu. Tuy nhiên, nguồn gốc của các hạt bụi vẫn còn là một bí ẩn.

Bất kể chúng được hình thành như thế nào, chúng ta có thể chắc chắn rằng, năm này qua năm khác, trong khoảng thời gian cuối tháng Năm và đầu tháng Sáu, các đám mây dạ quang thường sẽ mang tới những màn trình diễn tuyệt vời.

Sự kỳ bí của các đám mây dạ quang

Robert Leslie được cho là người đầu tiên phát hiện ra hiện tượng mây dạ quang khi thông báo quan sát được cảnh tượng lạ này trên bầu trời Southampton, Anh vào tháng 7/1885. Trước năm 1885, không có bất kỳ báo cáo hay ghi chép nào về sự xuất hiện của các đám mây kỳ bí này.

Nhiều chuyên gia phỏng đoán các đám mây dạ quang là bằng chứng về biến đổi khí hậu, vì những quan sát đầu tiên về chúng trùng hợp với thời điểm diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp. Kể từ đó, các chất gây ô nhiễm của con ngườicó thể đã bị đẩy lên tầng phía trên của khí quyển, tạo điều kiện hình thành các đám mây dạ quang.

Một phỏng đoán khác là, các đám mây dạ quang có liên quan tới hoạt động núi lửa vì người ta quan sát thấy chúng lần đầu tiên chỉ hai năm sau khi núi lửa Krakatoa phun trào. Tuy nhiên, trong khi các tác động của vụ phun trào nọ đã chấm dứt, các đám mây dạ quang vẫn đều đặn xuất hiện kể từ đó và chúng dường như đang lan rộng.

Sự kỳ bí của các đám mây dạ quang

Cũng có thể, các hạt trong không khí mà từ đó hình thành các đám mây dạ quang có nguồn gốc từ những thiên thạch lọt vào khí quyển.

Nguồn gốc của các đám mây dạ quang có thể vẫn còn là một bí ẩn đối với loài người trong một vài năm nữa, nhưng có một điều chắc chắn là chúng ta vẫn có thể thưởng thức chúng. Nếu bạn ở vĩ độ 40 độ trở lên thì thời điểm này bạn có thể nhìn thấy các đám mây dạ quang. Chúng rất dễ quan sát mà không cần kính thiên văn hoặc ống nhòm. Chỉ cần nhìn về hướng bắc/tây (theo hướng mặt trời lặn) khoảng 30 – 60 phút sau khi hoàng hôn, và nếu bạn nhìn thấy các tua ánh sáng màu xanh hoặc trắng trải dài trên bầu trời thì đó chính là các đám mây dạ quang – một trong những cảnh quan đẹp nhất của tự nhiên.

 

Theo Vietnamnet