Sự nguy hiểm của thủy triều đỏ

Sự nguy hiểm của thủy triều đỏ

Thủy triều đỏ là thuật ngữ chỉ hiện tượng tảo đồng loạt nở hoa, gây hại cho các loài sinh vật, bao gồm san hô, các loài rong biển, động vật và cả con người.

Khi thủy triều đỏ xảy ra, nước biển thường chuyển sang màu đỏ hoặc các màu sắc khác tùy thuộc vào từng loại tảo.

Thủy triều đỏ nguy hiểm như thế nào?

Theo Cục Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA), khi tảo đơn bào sống trong các vùng nước mặn và nước ngọt nở hoa, chúng có thể gây hại cho con người, các loài sinh vật biển, động vật có vú, các loài chim sống nhờ cá…. Người ta ghi nhận trường hợp tử vong vì tảo hở hoa trên người, dù hiếm gặp.

Sự nguy hiểm của thủy triều đỏ
Thủy triều đỏ xảy ra tại Australia. Hiện tượng này đang ngày càng trở nên phổ biến khắp thế giới. (Ảnh: ABC News).

Những sinh vật chết vì thủy triều đỏ rất nguy hiểmvới sức khỏe con người và không thể làm thực phẩm. Ngoài ra, bầu không khí xung quanh khu vực tảo nở hoa cũng rất khó thở.

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học liên tục ghi nhận báo cáo về hiện tượng tảo nở hoa trên khắp thế giới. Tại Mỹ, đây là hiện tượng thu hút sự quan tâm ở tầm quốc gia vì chúng không chỉ tác động tới sức khỏe con người mà còn tàn phá hệ sinh thái biển và gây tác hại trực tiếp cho nền kinh tế địa phương và khu vực.

Nếu hiện tượng tảo nở hoa xuất hiện giữa các khu vực nuôi trồng thủy, hải sản, nó sẽ gây ra hiện tượng sinh vật chết hàng loạt. Một số loài tảo sản sinh ra độc tố cực mạnh, có thể giết chết cá hoặc các động vật giáp xác, động vật có vú và chim hay gây bệnh cho con người.

Trong trường hợp tảo không độc nở hoa và chết đi, quá trình phân hủy chúng hút cạn khí oxy trong nước biển, gây ra hiện tượng động vật chết hàng loạt.

Ngoài ra, sự tích tụ số lượng lớn tảo trong quá trình hô hấp tạo thành màng nhầy trên mang cá, gây ảnh hưởng tới quá trình hấp thụ khí oxy trong nước. Các nhà khoa học phát hiện tổn thương trên mang của những con cá chết do hiện tượng thủy triều đỏ trên thế giới.

Sự nguy hiểm của thủy triều đỏ
Tảo nở hoa có thể tác động xấu tới hệ sinh thái biển. (Ảnh: Getty).

Trên thực tế, tảo biển là mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn dưới đại dương. Hầu hết các đợt tảo biển nở hoa có lợi. Chúng cung cấp số lượng lớn thức ăn dồi dào nuôi dưỡng các loài động vật khác. Tuy nhiên, khi sự cân bằng của tự nhiên bị phá vỡ, cụ thể là lượng tảo sinh sôi quá mạnh, sẽ gây ra tác động tiêu cực tới hệ sinh thái.

Trách nhiệm của con người?

Trong nhiều trường hợp, thủy triều đỏ xuất hiện hoàn toàn do các nguyên nhân tự nhiên, bao gồm mưa theo mùa ở các khu vực ven biển, sự chuyển động của các dòng hải lưu nhất định. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng thủy triều đỏ xảy ra thường xuyên và rộng khắp một phần do tác động của con người.

Nước thải từ các thành phố, khu dân cư, trang trại nông nghiệp mang theo lượng lớn chất hữu cơ chảy ra sông, biển. Quá trình nuôi cá và các loài sinh vật khác trên biển cũng tạo ra hiện tượng tương tự. Đây là nguồn thức ăn dồi dào cho tảo, giúp chúng sinh sôi và phát triển mạnh mẽ.

Sự nguy hiểm của thủy triều đỏ
Các hoạt động của con người tạo điều kiện cho tảo sinh sôi. (Ảnh: Getty).

Nhờ chất hữu cơ mà các hoạt động của con người thải ra, tảo biển mặc sức sinh sôi và phát triển. Chúng thường xuất hiện gần bờ, nơi nước thải của con người trực tiếp đổ xuống. Hiện tượng nóng lên toàn cầu và El Nino liên tục đạt đỉnh khiến nước biển nóng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho tảo phát triển và nở hoa.

El Nino tồn tại từ 5.000 năm qua và gây tác động trên khắp thế giới, nhưng hiện tượng này đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn. Các nhà khoa học đặt ra nhiều giả thuyết cho sự gia tăng tác động của El Nino nhưng biến đổi khí hậu được coi là nguyên nhân chính. Các hoạt động của con người đang gây ra biến đổi khí hậu.

Nhằm đối phó ngay lập tức với thủy triều đỏ, các nhà khoa học đang lập bản đồ dự đoán chính xác vị trí xảy ra hiện tượng tảo nở hoa. Biện pháp này giúp người dân có kế hoạch ứng phó tốt nhất đồng thời giảm thiểu tác động của nó tới môi trường. Về lâu dài, thay đổi nhận thức của con người nhằm ngăn biến đổi khí hậu là mấu chốt của vấn đề.

 

Theo Zing