Các nhà khoa học phỏng đoán, sự sống trên Trái đất sẽ tiếp tục tồn tại tới 3 tỷ năm nữa, nhưng loài người thậm chí sẽ chết dần chết mòn từ trước đó rất lâu.
Giới khoa học tuyên bố, việc Trái đất ngày càng tiến gần tới Mặt trời rốt cuộc sẽ dẫn tới hậu quả là nhiệt độ vọt lên rất cao, các đại dương khô cạn và mọi dạng sống trên hành tinh của chúng ta đều tuyệt diệt.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc trường Đại học East Anglia (Norwich, Anh), sự biến đổi khí hậu toàn cầu do con người gây ra sẽ khiến sự sống của nhân loại không thể kéo dài tới khi viễn cảnh ảm đạm đó xảy ra. Các nhà nghiên cứu nhận định, cơ hội sống sót tốt nhất của chúng ta là di cư tới một hành tinh khác và sao Hỏa là lựa chọn thích hợp nhất.
Theo các nhà khoa học, việc Trái đất ngày càng tiến gần tới Mặt trời rốt cuộc sẽ dẫn tới sự tuyệt diệt của mọi dạng sống trên Trái đất trong 1,75 – 3,25 tỉ năm nữa. (Ảnh: Live Science)
Andrew Rushby, một thành viên nhóm nghiên cứu, giải thích: “Chúng tôi ước tính Trái đất sẽ không còn cư trú được nữa trong khoảng 1,75 – 3,25 tỉ năm nữa, tính từ hiện tại. Sau thời điểm này, Trái đất sẽ trong “vùng nóng” của Mặt trời, có nhiệt độ tăng cao tới mức các đại dương sẽ bay hơi. Chúng ta sẽ chứng kiến sự tuyệt diệt thảm khốc của mọi dạng sống.
Tất nhiên, các điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của con người và các dạng sống phức tạp khác sẽ kết thúc sớm hơn nhiều. Quá trình này đang bị sự biến đổi khí hậu nhân tạo thúc đẩy nhanh tiến độ.
Con người sẽ gặp rắc rối ngay cả khi nhiệt độ chỉ tăng thêm một lượng nhỏ. Và khi gần thời điểm tuyệt diệt, chỉ có vi sinh vật trong những môi trường thích hợp mới có thể chống chịu được sức nóng”.
Giới thiên văn học đã nhận diện được gần 1.000 hành tinh bên ngoài hệ mặt trời. Các chuyên gia sinh vật học vũ trụ đang nghiên cứu một vài trong số những hành tinh này để tìm kiếm nơi thích hợp nhất cho sự sống. Họ phát hiện, hành tinh mới khám phá được gần đây – Gliese 581 d – có thể ấm áp và dễ chịu trong 5,47 tỉ năm nữa.
Nhà nghiên cứu Rushby nhấn mạnh, các nhà khoa học chưa phát hiện bất kỳ hành tinh nào thực sự giống Trái đất, nhưng có thể vẫn tồn tại một hành tinh “song sinh” nào đó của Trái đất, có khả năng cư trú được trong phạm vi 10 năm ánh sáng, một khoảng cách rất gần trong thiên văn học. Dẫu vậy, để tới được hành tinh đó với công nghệ hiện nay của chúng ta có thể mất tới hàng trăm ngàn năm.
Bằng cách nghiên cứu sự tiến hóa của sự sống trên Trái đất, ông Rushby và các cộng sự cũng đã có khả năng phỏng đoán về sự sống ở những khu vực khác của thiên hà.
Chuyên gia Rushby nói: “Chúng ta có côn trùng cách đây 400 triệu năm, khủng long 300 triệu năm trước và cây ra hoa cách đây 130 triệu năm. Về phương diện giải phẫu, người hiện đại có mặt trên Trái đất cho tới nay được khoảng 200.000 năm. Do đó, bạn có thể thấy sẽ mất một thời gian vô cùng dài để sự sống có trí thông minh phát triển”.
Nhà nghiên cứu này cho rằng, lượng thời gian cư trú được trên một hành tinh rất quan trọng, vì nó hé lộ cho chúng ta biết về tiềm năng tiến hóa của dạng sống phức tạp, vốn thường đòi hỏi thời gian dài hơn cho sự hình thành các điều kiện sống thích hợp.