Đã bao giờ bạn tự hỏi mình thở dài bao nhiêu lần mỗi ngày? Theo một nghiên cứu, con người thực tế có thể thở dài khoảng 12 lần mỗi giờ đồng hồ, tức là 5 phút một lần. Nhưng việc thở dài không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của sự mệt mỏi hay bực tức. Thay vào đó, các nhà khoa học cho biết những tiếng thở dài sinh lý rất quan trọng để giúp cho phổi hoạt động tốt hơn.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học California, Los Angeles (UCLA) và Đại học Stanford đã xác định được nguồn gốc của tiếng thở dài. Theo đó, chúng là một phản xạ duy trì sự sống có thể ngăn chặn các túi khí nằm trong phổi (gọi là phế nang) không bị xẹp xuống.
Đồng tác giả nghiên cứu Jack Feldman, một giáo sư về thần kinh tại Đại học UCLA cho biết: “Lá phổi của con người có diện tích rộng như bề mặt một sân tennis và được xếp lại bên trong lồng ngực của bạn. Trong đó có 500 triệu túi khí nhỏ được gọi là phế nang, mỗi phế nang lại là một quả cầu nhỏ với đường kính khoảng 0,2 mm.”
Những túi tròn, nhỏ này sẽ giúp đảm bảo cung cấp đủ một lượng đủ oxy dễ dàng đi vào máu thông qua màng phổi và Feldman mô tả chúng trông tương tự như những “bong bóng nước”.
Ông nói: “Việc thổi một quả bong bóng nước bay lên rất khó khăn vì nước ở bên trong dính vào nhau. Đây cũng là những gì sẽ xảy ra khi phế nang bị xẹp đi.”
Nói cách khác, nếu con người không thở dài, các phế nang sẽ không thể phồng lên và phổi sẽ không hoạt động. Feldman cho biết cách duy nhất để làm phồng phế nang là thở sâu. Vì vậy, một tiếng thở dài rất quan trọng và bạn không nhất thiết phải thở thoát ra âm thanh lớn.
Tuy nhiên, Feldman cho rằng, những tiếng thở dài đang thực sự gắn liền với cảm xúc khi ai đó đang bị căng thẳng. Một trong những điều xảy ra với một cơ thể bị căng thẳng là bộ não giải phóng các phân tử được gọi là peptide – một tiểu đơn vị của protein. Trong số này còn có những peptide có nguồn gốc từ bombesin.
Bombesin không có trong động vật có vú và là một chất độc được tìm thấy trong da của loài cóc tía. Tuy nhiên, động vật có vú có thể cảm nhận nó và nghiên cứu trước đây cho thấy rằng các peptide được gọi là neuromedin B (NMB) và peptide kích thích thượng vị (GRP) có ở động vật có vú, kể cả con người.
Nghiên cứu trước đây của Feldman xác định rằng việc tiêm bombesin vào một khu vực của não được gọi là pre-Bötzinger đã làm tăng tỷ lệ thở dài ở chuột từ 25 lần trong một giờ đến khoảng 400 lần.
Các nhà nghiên cứu cho biết nghiên cứu này có thể đưa ra những ứng dụng tiềm năng cho sự phát triển của y học để điều trị một số bệnh nhất định. Ví dụ, với một số người, nếu thở dài quá nhiều có thể gây suy nhược. Một số người khác nếu không thở dài đủ lại có thể dẫn đến chứng khó thở và chức năng phổi bị tổn hại.
Thụy Du
Dịch theo FN
Dịch theo FN
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.