Các nghiên cứu về tặng quà chỉ ra sự thật về người nhận quà sẽ giúp bạn biết cách mua quà tặng trong tất cả các dịp!
Bắt nguồn từ nước Anh vào giữa thế kỷ XIX, Boxing Day 26/12 (Ngày Tặng Quà) được coi là một trong những ngày nghỉ lễ quan trọng nhất sau lễ Noel.
Ngày này cũng được coi là ngày lễ của các nước từng là thuộc địa của Anh như Australia, Hong Kong, Canada và một số nước khác. Đây là ngày để gia đình và bạn bè sum họp, cùng nhau ăn uống và chia sẻ tình cảm, trao nhau những món quà ý nghĩa.
Trong Ngày Tặng Quà, những món quà nhằm thể hiện tình cảm riêng của người tặng, đồng thời cũng thay lời chúc trong dịp lễ đặc biệt đó.
Tuy nhiên, các nhà khoa học mới đây đã công bố một vài nghiên cứu về tâm lý con người chỉ ra việc tặng quà có thể ẩn chứa nhiều “nguy cơ” cho cả hai bên. Hãy cùng đọc các khám phá này để biết thêm về bí kíp tặng quà và tâm lý người nhận quà/tặng quà.
1. Thực tế, chúng ta thường không thích những món quà tặng bất ngờ
Cách “an toàn” nhất để tặng một món quà như ý người nhận đó là… hỏi trực tiếp người đó. Nhưng đây cũng là cách thức rất buồn tẻ, vì nó không còn ý nghĩa, mà giống như “mua giúp” vậy.
Vậy nên, hầu hết mọi người vào dịp này đều đau đầu suy nghĩ món quà phù hợp nhất – đẹp, ý nghĩa, hợp túi tiền và quan trọng hơn là “gây được bất ngờ”. Tuy nhiên, qua một số nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy, con người chưa hẳn đã thích “sự bất ngờ”.
Các giáo sư tại hai trường ĐH Harvard và Stanford qua một số thí nghiệm đã phát hiện ra rằng, những người nhận quà thường chỉ muốn đúng thứ mà họ yêu cầu, thậm chí một số còn thích “được hỏi”. Không chỉ vậy, người nào tặng món quà họ thích sẽ được khen là “sâu sắc và chu đáo”, trong khi món quà cần nhiều thời gian để săn lùng thì bị coi nhẹ.
Dẫu biết vậy, chúng ta vẫn không thể tránh khỏi điều này. Theo các nhà khoa học, con người luôn có xu hướng lấy bản thân ra làm khuôn mẫu và cho rằng, người khác cũng sẽ thích những thứ mà mình thích. Nói cách khác, chúng ta luôn kỳ vọng những món quà mình tặng sẽ khiến người khác thích, nhưng đồng thời lại luôn không hài lòng khi được nhận món quà trái ý.
Một điều khá thú vị trong nghiên cứu này, món quà được nhiều người đánh giá cao nhất nhưng lại ít được tặng nhất chính là “tiền”.
2. Chúng ta không thích được tặng món quà đi kèm nhiều “phụ kiện”
Chúng ta thường nghĩ, tặng quà “càng nhiều càng ít” và người nhận sẽ càng trân trọng hơn khi nhận được nhiều quà. Về mặt logic thì điều này là đúng, vì sự thỏa mãn của con người là không giới hạn. Tuy nhiên, loài người luôn hành động đi ngược lại logic, ít nhất là trong lĩnh vực… nhận quà.
Khi nhìn vào những món quà theo kiểu “ôm đồm”, con người ta có xu hướng nhìn vào những phần quà bé hơn mà định giá toàn bộ món quà, mặc dù đó có thể là món quà giá trị.
Ví dụ người nhận sẽ thích một chiếc áo len, hơn là khi chiếc áo len đó đi kèm bánh, kẹo. Lý do là bởi họ cho rằng, “có thể giá trị chiếc áo quá nhỏ nên cần những món đi kèm để tăng giá trị”.
Theo các nhà nghiên cứu, điều này cũng giống như việc xử phạt ở các nước phương Tây: phạt tiền đi kèm số giờ lao động công ích nhất định. Nếu chỉ bị phạt tiền, người vi phạm cảm thấy rất nặng nề, nhưng nếu đi kèm lao động công ích trong vài giờ đồng hồ, họ thậm chí có thể vui vẻ chấp nhận vì cho rằng, án phạt đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
3. Có những người không thích nhận quà
Thông thường, ai cũng thích nhận quà, trừ những kẻ “dở hơi”. Thế nhưng trên thực tế, có rất nhiều người không hề mong muốn được nhận quà và phần lớn trong số đó là chính là “cánh mày râu”.
Chúng ta thường nhầm tưởng rằng, đàn ông rất dễ dãi. Họ dễ dàng chấp nhận bất kỳ món quà nào và đôi khi không quan tâm món quà đó là gì, nhiều lúc khiến người tặng bị tổn thương.
Tuy nhiên theo một số nghiên cứu mới đây, phần lớn đàn ông gặp rắc rối trong việc diễn đạt cảm xúc, cụ thể ở đây là lòng biết ơn khi nhận quà. Khi được tặng quà, phụ nữ cám ơn và coi đó là cách người tặng thể hiện tấm lòng.
Đàn ông thì khác, họ sẽ vò đầu bứt tai mà nghĩ món quà tương đương để tặng lại, đặc biệt khi nhận được những món quà đắt tiền. Vậy nên thậm chí nhiều người còn không mong muốn nhận được quà tặng.
Nhưng việc tặng quà cho nhau không có lỗi gì cả. Các chuyên gia khuyên rằng, bạn nên chú ý đến giá trị và cách thức tặng quà, chỉ nên thể hiện vừa phải, đủ để thể hiện tấm lòng của mình mà thôi.
4. Bị tẩy chay/cô lập vì quá hào phóng
Hào phóng cũng là một cách “tặng quà” cho người khác. Tuy nhiên, cách thức “tặng quà” này có thể khiến khổ chủ gặp tai họa.
Thông thường trong một tập thể, người bị ghét nhất có lẽ là những kẻ chuyên “quên” ví khi đi chơi, đồng thời luôn hỏi vay tiền mà không khi nào thấy hoàn trả. Vậy theo logic, hẳn những người luôn mang ví, sẵn sàng cho vay tiền, đồng thời luôn trả nhiều tiền hơn cả là người được quý mến nhất?
Nhưng nghiên cứu của các nhà xã hội học thuộc ĐH bang Washington (Mỹ) lại cho kết quả khác hẳn, những người hào phóng nhất lại phải chịu chung số phận với kẻ “keo kiệt”.
Trong một cuộc thử nghiệm, các tình nguyện viên được chia thành nhóm 6 người, lần lượt ngồi trước máy tính (người còn lại trong nhóm thực chất là do máy tính lập trình). Họ sẽ được cho một số điểm nhất định, có thể quy đổi ra tiền mặt và được yêu cầu đóng góp vào quỹ điểm chung.
Quỹ điểm chung sau này sẽ được nhân đôi và chia đều cho các thành viên, hay nói cách khác nếu mọi người cùng đóng góp thì tất cả sẽ được lợi, nhưng nếu có người không đóng góp gì thì chỉ mình người đó được lợi mà thôi.
Khi bắt đầu vòng 2, tình nguyện viên sẽ được thêm quyền “trừng phạt”, bằng cách bỏ đi số điểm của mình để lấy đi số điểm của người khác. Hầu hết mọi người đều trừng phạt những kẻ tham lam không chịu đóng góp, nhưng thật kỳ lạ khi người đóng góp nhiều hơn (hầu hết là máy tính lập trình) cũng bị trừng phạt.
Các khoa học gia lý giải điều này là do sự đố kỵ của con người. Chúng ta luôn cảm thấy khó chịu và “ngứa mắt” khi thấy có kẻ muốn “chơi trội”. Hay nói cách khác, con người luôn có xu hướng ép buộc người khác theo số đông, và trừng phạt kẻ nào không chịu hòa nhập.
Tuy vậy, hào phóng vẫn là một đức tính tốt. Chúng ta không thể làm vừa lòng tất cả mọi người, nên hãy cứ là chính mình và “hào phóng”… ở một mức độ cho phép.