Thời gian gần đây, tại các khu rừng ngập mặn và rừng tràm U Minh Hạ ở Cà Mau, nhiều loài thú rừng, trong đó có những loài nằm trong Sách Ðỏ Việt Nam và Sách Ðỏ thế giới, tưởng đã không còn nay lại xuất hiện thành bầy đàn. Nhưng cách ứng xử của con người trước hiện tượng đáng mừng này không khỏi gây ra những điều đáng lo.
Hồi đầu năm, nhân viên kiểm lâm ở tiểu khu 4 thuộc rừng đặc dụng Vồ Dơi, trong khi đi tuần tra phòng chống cháy đã phát hiện ba cá thể thuộc một loài rái cá đặc hữu của rừng U Minh, đang dẫn nhau đi ăn, các anh đã bắt được một con nhỏ nặng khoảng 2 kilôgam, mang về nuôi nhốt, chăm sóc nhằm mục đích làm tiêu bản sống phục vụ khách tham quan, du lịch. Cách ứng xử này thật sự không nên và không đáng được khuyến khích, cần phải có giải pháp khắc phục sớm và mang tính giáo dục tích cực hơn nhằm bảo vệ hữu hiệu các đàn thú quý hiếm trong vùng.
Theo giới chuyên môn, đây là loài rái móng (rái cá lông mũi), có tên khoa học Lutra sumatrana, thuộc họ chồn Mustelidae, bộ ăn thịt Carnivora và nằm trong lớp thú Mammalia. Là loài rất hiếm trên thế giới, đã có tên trong sách đỏ cần bảo vệ nghiêm ngặt và là một trong bốn loài rái cá đã được biết đến. Ở nước ta, loài này tìm thấy nhiều tại vùng U Minh Thượng trước đây, ở U Minh Hạ cũng được phát hiện nhưng rất ít. Rái cá có khả năng thích ứng rất cao với sự thay đổi môi trường sinh thái, nhất là về thời tiết, khí hậu và nguồn thức ăn nhờ tính chủ động di cư tìm mồi và tìm nơi thích hợp. Sự xuất hiện loài này ở Vồ Dơi đáng để cho các nhà môi trường, các nhà sinh thái, động vật học nghiên cứu những vấn đề có liên quan khác.
Trong khi đó, tại Lâm ngư trường Tam Giang III thuộc huyện Ngọc Hiển cũng phát hiện một đàn voọc bạc (dân trong vùng gọi tên cà khu) có số lượng cá thể đáng kể, anh đang làm báo cáo lên các cấp có thẩm quyền để xin chủ trương thực thi các biện pháp bảo vệ. Ðàn voọc bạc xuất hiện trên cánh rừng này là rất đáng quan ngại vì đây không phải là khu bảo tồn mà là rừng kinh tế nên có rất nhiều người dân đang hoạt động sinh sống bằng nghề khai thác lâm sản và ngư nghiệp, ý thức bảo vệ tài nguyên động vật rừng rất hạn chế và cũng không thể kiểm soát được họ nên sẽ rất khó bảo vệ đàn voọc này nếu như không có giải pháp hiệu quả và khẩn trương.
Về nguyên nhân có đàn voọc trên cánh rừng này, có lẽ do sau khi Lâm ngư trường 184 xây dựng khu bảo tồn và làm du lịch, phát triển nuôi tôm sinh thái đạt kết quả cao, môi trường sống tự nhiên vùng rừng ngập mặn được cải thiện và phát triển đáng kể, đàn voọc phát triển nhanh và các vùng lân cận tiếp giáp như Lâm ngư trường Tam Giang III cũng chịu ảnh hưởng tốt theo, đàn voọc này có thể đã do mê ăn mồi nên đi lạc từ khu bảo tồn sang đây. Cần phải di chuyển chúng trở lại khu bảo tồn càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, từ trước đó, chúng tôi cũng được biết Lâm ngư trường Sông Trẹm cũng đã xuất hiện nhiều đàn khỉ có số lượng cá thể đến hàng chục con. Còn ở rừng đặc dụng Vồ Dơi, Lâm ngư trường U Minh III cũng xuất hiện nhiều loài thú quý như nai, heo rừng, một số loài chim di trú… mà từ lâu nhiều người vẫn tưởng chúng không còn trên cánh rừng này. Phải chăng từ sau khi cháy cả hai cánh rừng U Minh năm 2002 nhiều loài thú không còn nơi trú ẩn an toàn đã tìm về những cánh rừng này để tá túc và phát triển bầy đàn. Hay nhờ được tập trung khôi phục và bảo vệ tốt nên môi trường các cánh rừng ở Cà Mau đã trở nên thích hợp cho các loài chim thú về trú ngụ. Như thế U Minh Hạ đang dần thành nơi “đất lành” cho các loài chim thú. Chúng ta cần quan tâm và ra sức bảo vệ, tích cực ngăn chặn việc săn bắt chúng để cho chúng không phải “tan đàn xẻ nghé”.
Tuy nhiên, cách ứng xử thiếu thận trọng như việc làm đối với trường hợp của rái cá thật không đáng khuyến khích. Tại sao phải vây bắt, trong khi “mẹ con” chúng đang tự do kiếm ăn trong lãnh địa của mình mà lẽ ra chúng phải được “bất khả xâm phạm”. Ðối với động vật quý hiếm đã được ghi vào Sách Ðỏ thì liệu ta có nên và có được phép bắt không, cho dù bắt chỉ để bảo vệ? Tệ hại hơn, bắt thú quý hiếm chỉ để phục vụ du lịch tham quan vùng rừng đặc dụng rất nhạy cảm đang vào mùa cần bảo vệ phòng chống cháy nghiêm ngặt! Cách bảo vệ có ý nghĩa và hiệu quả nhất là nên sớm thả con thú ấy về rừng. Ðồng thời phải tuyên truyền, giải thích cho nhân dân, cán bộ trong vùng có ý thức bảo vệ nó cho thật tốt và nghiêm trị những ai cố tình săn bắt để cho chúng có được cuộc sống bình yên mà phát triển bầy đàn, sau này sẽ có nhiều cái lợi.
Theo Thiên Nhiên Việt Nam