Lấy cảm hứng từ nghệ thuật xếp giấy Origami của Nhật Bản, các nhà nghiên cứu Mỹ đã cho ra đời sản phẩm cơ nhân tạo cho robot, giúp sức mạnh của robot có thể tăng gấp 1.000 lần.
Trong nghiên cứu nêu trên, các nhà khoa học đã tạo ra một khối cơ nhân tạo được hình thành từ các miếng kim loại hoặc tấm nhựa. Khối cơ nhân tạo này được phát triển theo hình chữ chi, cho phép chúng có thể co dãn theo lệnh nhờ áp suất khí hoặc nước. Đặc biệt, các cơ có thể co lại chỉ còn 10% so với hình thái ban đầu nhờ nguyên tắc co dãn của Origami.
Khối cơ nhân tạo co dãn giúp các robot có thể cử động mềm mại hơn.
Theo nghiên cứu, khối cơ nhân tạo co dãn giúp các robot có thể cử động mềm mại hơn thay vì chuyển động một cách rung giật như các thế hệ trước của robot, nhờ đó các nhà khoa học lạc quan hơn trong việc chế tạo ra các robot phục vụ từng công việc cụ thể. Thêm vào đó, chi phí sản xuất múi cơ khá hấp dẫn, chỉ với giá 1 USD/múi cơ.
Theo tính toán của các nhà khoa học, các cơ nhân tạo có thể tạo ra sức mạnh lớn hơn 6 lần so với cơ xương động vật có vú, trong khi đó cơ nhân tạo lại nhẹ hơn rất nhiều. Cụ thể, một múi cơ nặng 2,6g có thể nâng được vật có khối lượng tới 3kg, tượng tự như việc một con vịt nâng một chiếc ôtô.
Đây là kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Harvard và Viện Wys, đăng tải trên Tập san của Viện Khoa học quốc gia Mỹ ngày 27/11 và tiến bộ này đánh dấu một bước nhảy vọt trong lĩnh vực sản xuất robot.
Theo TTXVN/Vietnam+