Sừng càng to, “của quý” càng nhỏ

Những con bọ cánh cứng có chiếc sừng to nhất thì cũng có tinh hoàn nhỏ nhất. Điều này cho thấy xét về mặt tiến hoá, được cái này thì sẽ mất cái khác. Kết quả là bằng chứng rõ ràng về sự đánh đổi giữa khả năng cạnh tranh bạn tình với năng lực sinh sản.

(Ảnh: ABC Online)

Giáo sư Leigh Simmons tại Đại học Western Australia và giáo sư người Mỹ Douglas Emlen tại Đại học Montana đã tìm hiểu những con bọ cánh cứng thuộc giống Onthophagus.

“Những con bọ này cần có chiếc sừng to để đánh nhau tranh giành con cái và chúng cũng cần những tinh hoàn bự để có thể thắng trong cuộc cạnh tranh tinh trùng“.

“Nhưng chúng lại không thể có cả hai, vì vậy loài nào đầu tư nhiều vào chiếc sừng thì sẽ thua kém hơn trong tinh trùng của mình”.

Nghiên cứu cũng minh chứng giả thuyết về sự cạnh tranh tinh trùng, xảy ra khi con cái giao phối với hơn 1 bạn tình. Theo giả thuyết, sự đối đầu giữa các con đực vẫn tiếp tục sau khi bạn tình đã được chọn, bởi tinh trùng từ những con khác nhau lại cạnh tranh để được thụ tinh cho trứng.

Simmons đã thực hiện thí nghiệm trong đó đốt vùng phát triển sừng của bọ cánh cứng non làm phân huỷ tế bào và ngăn cho sừng phát triển. Ông nhận thấy nếu sừng bị kìm hãm phát triển, con vật sẽ được đền bù bằng những tinh hoàn to hơn.

“Chúng chỉ có một nguồn lực nhất định để phân phối cho các cấu trúc khác nhau, tới chân, cánh, sừng, tinh hoàn và những bộ phận quan trọng khác”, ông giải thích.

Nghiên cứu khác cũng cho thấy dơi đánh đổi kích thước tinh hoàn để lấy năng lực trí tuệ.

M.T.

 

Theo Reuters, Vnexpress