Sử dụng một tấm gương phản chiếu năng lượng mặt trời là ý tưởng phát triển vũ khí kỳ lạ của Đức trong Thế chiến thứ 2.
Với tham vọng bá chủ thế giới, Hitler đã yêu cầu các nhà khoa học trong nước đề xuất các ý tưởng phát triển vũ khí nhằm chiếm ưu thế trên chiến trường. Một số ý tưởng đã đặt nền móng cho sự phát triển của các loại vũ khí về sau như tên lửa, máy bay tàng hình, máy bay siêu thanh. Một số khác có phần kỳ quái và điên rồ nhằm phục vụ cho dã tâm của giới lãnh đạo Quốc xã.
Hermann Oberth sử dụng một tấm gương khổng lồ ngoài vũ trụ làm vũ khí. (Ảnh: Daily Mail)
Theo Huffington Post, vào năm 1929, nhà vật lý Hermann Oberth (người sau này được coi là cha đẻ ngành tên lửa đẩy nước Đức) đã đề xuất ý tưởng xây dựng một trạm không gian bên ngoài quỹ đạo trái đất. Ông cũng lên kế hoạch phóng tên lửa đẩy mang theo một chiếc gương khổng lồ lên quỹ đạo. Oberth cho rằng, chiếc gương khổng lồ sẽ phản chiếu ánh sáng mặt trời đến những phần trái đất khuất trong bóng tối.
Ý tưởng của Oberth là sử dụng một tấm gương cầu lõm có đường kính tới 1,6km nhằm tập trung năng lượng mặt trời vào một điểm nhất định trên trái đất. Chiếc gương vũ trụ sẽ nằm ở độ cao khoảng 35.000 cách mặt đất. Oberth dự tính chi phí cho chương trình khoảng 3 triệu Marks, thời gian xây dựng khoảng 15 năm.
Người ta sẽ đưa các thành phần của gương vũ trụ lên quỹ đạo sau đó sẽ lắp ráp tổng thể bằng một tàu vũ trụ có người lái. Chương trình còn có kế hoạch xây dựng một trạm không gian có người lái làm nơi sinh hoạt tạm thời cho nhân viên trong quá trình lắp ráp gương vũ trụ. Trạm này có một lỗ đường kính 9,1 mét cho các tên lửa cập cảng tiếp tế hàng hóa và nhu yếu phẩm. Một khu vườn thủy canh để cung cấp oxy cho trạm và máy phát điện sử dụng năng lượng mặt trời.
Ban đầu, ý tưởng của Oberth nhằm phục vụ cho mục đích hòa bình, nhưng khi đề xuất ý tưởng lên giới cầm quyền Đức quốc xã, Oberth đã đề nghị biến nó thành một thứ vũ khí kỳ quái mà ông ta gọi là “súng mặt trời”.
Đức quốc xã có ý định sử dụng gương vũ trụ như một vũ khí tối thượng nhằm đốt cháy các thành phố ở mọi nơi trên trái đất. (Ảnh: Damninteresting)
Nhà sử học hàng không David Myhra nói: “Oberth là một người đa nhân cách, ông là một người yêu chuộng hòa bình nhưng cũng có lúc ông rất hiếu chiến. Ông từng nói, tấm gương vũ trụ của tôi cũng có thể dùng cho mục đích quân sự. Tôi có thể đốt cháy các tàu bè trên biển hay hướng tấm gương vào các căn cứ quân sự của đối phương. Tôi cũng có thể hướng tấm gương các thành phố lớn như London, New York và tạo ra các hố lớn”.
Oberth mô tả, tấm gương vũ trụ của ông ta là một “vũ khí tối thượng” cho phép tấn công mọi nơi trên trái đất mà đối phương chỉ biết đứng nhìn. Tuy nhiên, với mặt bằng công nghệ thời Thế chiến thứ 2 thì ý tưởng của Oberth là một điều gì đó quá xa vời và viển vông.
Sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, một nhóm các nhà khoa học tại trung tâm nghiên cứu ở Hillersleben, Đức đã mô phỏng lại ý tưởng của Oberth. Họ nhận thấy rằng, tấm gương khổng lồ đó có thể tập trung nhiệt lượng từ mặt trời đủ làm sôi nước trên đại dương hay thiêu rụi các thành phố.
Ý tưởng gương vũ trụ điên rồ của Oberth đã mở đường cho sự phát triển của ngành không gian vũ trụ ngày nay. (Ảnh: Daily Mail)
Mặc dù ý tưởng phát triển súng mặt trời của Oberth kỳ quái nhưng nó đã tạo tiền đề cho sự phát triển của ngành không gian vũ trụ về sau. Trạm vũ trụ quốc tế ISS ít nhiều có ảnh hưởng từ ý tưởng trạm không gian của Oberth. Các tên lửa đẩy mang vệ tinh lên quỹ đạo hay phóng các tàu thăm dò vũ trụ bắt nguồn từ tên lửa đẩy V2 mà Oberth đã thiết kế.
Súng mặt trời đã không trở thành một vũ khí tối thượng như Oberth tưởng tượng, nhưng nó đã khơi mào cuộc chiến không gian giữa Mỹ – Xô. Những năm Chiến tranh Lạnh, nhà khoa học người Mỹ gốc Đức Wernher von Braun đã đề nghị quân đội Mỹ xây dựng một vũ khí không gian nhằm chống lại Liên Xô.
Theo Daily Mail, năm 1999, Nga đã công bố kế hoạch xây dựng một tấm gương vũ trụ nhằm phản chiếu năng lượng mặt trời trong mùa đông khắc nghiệt trên trái đất.