Theo thông báo của Chính quyền Trung Quốc, đợt lạnh mới tại miền nam sẽ kéo dài ít nhất đến ngày 21-2. Trong đó, tỉnh Vân Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt lạnh này.
Cơ quan cứu hộ ghi nhận có 12 người tử vong và bốn người khác mất tích do thời tiết xấu. Trong khi đó, 80% trong tổng số 2 triệu dân tại Qujing, thành phố lớn thứ hai của tỉnh Vân Nam, phải sống trong tình trạng mất điện.
Một cột điện ngã đổ trong gió tuyết ở miền nam Trung Quốc. (Ảnh: TTO) |
Tuyết rơi trong những ngày gần đây khiến giao thông trong vùng bị ách tắc và hàng trăm ngàn người quá cảnh với gần 20.000 xe hơi các loại hoàn toàn không thể di chuyển được. Tính đến nay, sáu tuyến đường quốc lộ và 42 tuyến đường xe hơi tại Qujing bị cấm lưu thông do tuyết rơi quá dày.
Thời tiết lạnh giá tồi tệ nhất trong 50 năm gần đây này cũng đã tác động đến hệ sinh thái tại hồ Poyang, tỉnh Giang Tây, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, khi gần 100.000 chim thiên di đến đây trú đông đã biến mất một cách kỳ bí.
Theo ông Luo Shengjin, phó phòng quản lý tài nguyên thiên nhiên quốc gia tại vùng hồ Poyang, băng tuyết kéo dài đã gây khó khăn cho đàn chim thiên di trong việc chống chọi với cái lạnh và tìm kiếm thức ăn. Một số chim được tìm thấy đã chết vì lạnh và đói trong khu vực hồ. Tuy nhiên đây chỉ là số ít.
Ông Luo cho biết một cuộc điều tra từ trên không sẽ được tiến hành nhằm xác định rõ nguyên nhân sự biến mất của đàn chim thiên di khổng lồ tại đây. Và để đảm bảo an toàn cho số chim còn lại, cơ quan bảo tồn vùng hồ Poyang đã huy động khoảng 100 người dân mang thức ăn đến cho chim.
Tại châu Âu, Hi Lạp đã trải qua ngày thứ hai liên tiếp trong bão tuyết. Ngày 18-2, hàng loạt chuyến bay dân sự bị hủy bỏ trong khi gần 200 ngôi làng ở nhiều nơi trên lãnh thổ Hi Lạp đã bị cô lập. Trường học các cấp cho đến đại học ở Athens và nhiều vùng đã đóng cửa. Các con đường tại thủ đô Athens ngập trong 10cm đến hơn 20cm tuyết…
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tuyết phủ dày 1,5m tại tỉnh Van, miền đông nước này, dẫn đến tắc nghẽn giao thông ở hàng trăm tuyến đường. Các trường học được lệnh đóng cửa và giao thông bị hạn chế nhằm ngăn ngừa nguy cơ tai nạn do đường trơn trượt.
Chính quyền thành phố Istanbul phải mở nhiều nơi tạm cư và yêu cầu các khách sạn đón nhận người vô gia cư trốn lạnh. Có ít nhất ba trường hợp tử vong được thống kê. Và tại Bồ Đào Nha, ngập lũ, lở đất và mất điện đã diễn ra trong ngày 18-2 tại vùng Lisbon. Theo ghi nhận ban đầu, có ít nhất một người thiệt mạng và một người khác mất tích vì lũ. Nhiều con đường và nhà cửa ở các cộng đồng dân cư Loures, Sacavem và Setubal chìm trong nước…
Một con đường bị phủ trong tuyết tại thủ đô Athens (Hi Lạp) vào ngày 17-2 (Ảnh: TTO) |
ĐỨC TRƯỜNG
Theo AFP, AP, People Daily, Tuổi trẻ