Hơn một tháng sau sự cố sụt, lún đất tại thôn Pàn Sả, Bản Giang, xã Lương Thượng, huyện Na Rì (Bắc Kạn), người dân vẫn phấp phỏng sống trong lo âu…
Lo ngày, lo đêm!
Tại gian cuối nhà, anh Nguyễn Công Ngoãn (thôn Pàn Sả, xã Lương Thượng, huyện Na Rì) chỉ cho tôi xem những vết nứt rộng 5-7cm trên mặt nền nhà. Anh dùng thanh gỗ chọc xuống những khe nứt kiểm, nơi sâu nhất đo được tới 80cm. “Những đêm đang ngủ, chỉ cần một tiếng động nhỏ là cả gia đình tá hỏa”. Theo anh, vết nứt càng ngày càng dài hơn nên cả gia đình càng lo lắng.
Ở xứ đồng Tổng Lịa này không chỉ có nhà anh Ngoãn bị như thế. Cách đó chừng 200m, nhà của gia đình ông Hoàng Công Chính giờ cũng phải “cắt bỏ” hơn 10m2 vì “đó là khu vực bất an”, ông nói. Ông Chính bảo ban đầu những vết nứt trên mặt nền ximăng tại khu vực bất an chỉ nhỏ như những vết chân chim, nhưng dần dà vết nứt thêm rộng và chạy dài tới vài mét, sau đó mặt nền nhà bắt đầu võng xuống. Ông chủ nhà xác nhận hiện tượng nhà cửa bị rạn nứt khiến người dân lo ngày lo đêm. “Gần một tháng trôi qua nhưng chưa đơn vị nào trong tỉnh khẳng định nguyên nhân tại sao. Tất cả những gì người dân nhận được vẫn chỉ là những lời động viên… xảy ra sự cố thì lên báo chính quyền”?!
Đất ruộng sụt, lún tạo thành những hố sâu giữa cánh đồng (Ảnh: TTO)
Toàn khu xứ đồng Tổng Lịa hiện mới chỉ có hai hộ gia đình ông Hoàng Văn Quận, ông Bế Văn Tốc di chuyển đi chỗ khác.
Theo báo cáo của UBND huyện Na Rì, sau sự cố sụt, lún đất xảy ra cuối tháng 12-2006 đến giữa tháng 1-2007, ngày càng có nhiều điểm sụt, lún đất trên cả cánh đồng, mức độ ảnh hưởng rộng với đường kính tới 0,5km. Thống kê ban đầu tạm xác định có gần 40 hộ gia đình có nhà ở bị rạn nứt nền, gần 12ha ruộng canh tác bị lún, nứt.
Dân tự lo chỗ ở?
Trong số hai hộ gia đình có nhà ở trên ruộng buộc phải di chuyển để tránh rủi ro, mỗi hộ được hỗ trợ 5 triệu đồng. Hiện mới chỉ có hộ ông Hoàng Văn Quận chuyển ở tạm tại nhà văn hóa thôn. Hộ ông Bế Văn Tốc tạm di chuyển đồ đạc nhưng chưa tự lo được chỗ ở. |
Ông Nguyễn Duy Cầu, bí thư Đảng ủy xã Lương Thượng, khẳng định “việc chậm di chuyển đối với hộ gia đình còn lại do hộ gia đình này chưa liên hệ được với người thân để tạo nơi ở mới?!” Vẫn theo ông, việc di chuyển chính là do các hộ dân tự lo bởi hiện thời xã không có quĩ đất để bố trí.
Ông Trần Nguyên, phó giám đốc Sở TN-MT Bắc Kạn, khẳng định sụt, lún có thể do mở moong khai thác vàng quá sâu, sụt mạch nước ngầm dẫn đến sạt lở đất. “Hiện chưa thể xác định chính xác phạm vi và mức độ ảnh hưởng nên không thể lường trước được diện tích bị sụt, lún tới đây có thể rộng cỡ nào” -ông Nguyên nói. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ¸ có những điểm khai thác vàng sa khoáng gần khu vực sụt, lún đất ruộng, có điểm khai thác tới độ sâu trên 20m.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Văn Thành khẳng định trước mắt tỉnh yêu cầu hai đơn vị khai thác vàng dừng khai thác ở độ sâu hiện tại.
Theo ông Thành, tỉnh sẽ có phương án cụ thể, khi cơ quan chuyên môn thuộc Trường đại học Mỏ – địa chất đưa ra kết luận. Trong trường hợp nền đất không đảm bảo, sẽ có phương án di chuyển số hộ dân vùng không an toàn trên cơ sở chuyển chỗ ở, giữ nguyên đất canh tác.
XUÂN LONG
Theo Tuổi trẻ