Tác động của biến đổi khí hậu trên vựa lúa: Không nên bi quan

Tác động của biến đổi khí hậu trên vựa lúa: Không nên bi quan

Vài năm gần đây, biến đổi khí hậu toàn cầu (BĐKHTC), nước biển dâng được dự báo là đại nạn cho ĐBSCL, vựa lúa cả nước. Thông qua những hiện tượng thời tiết nguy hiểm, đại nạn này không chỉ đe dọa đến năng suất, mà còn thu hẹp đất trồng lúa.

Tuy nhiên, các chuyên gia nông học cho rằng, tuy có gây một số tác động, nhưng BĐKHTC chưa phải là thảm họa. Thậm chí có ý kiến cho rằng không nên nghiêm trọng hóa, bởi đây là thời cơ vàng để nông nghiệp (NN) ĐBSCL vươn lên vị thế mới, nếu…

Nghiêm trọng hoá vấn đề?

Theo dự báo của nhiều cơ quan khoa học, với những biểu hiện thời tiết nguy hiểm (nhiệt độ tăng, hạn kéo dài, mưa giảm, diện tích lũ mở rộng…), BĐKHTC sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực nông nghiệp. Ủy ban Liên chính phủ về BĐKHTC của Liên Hợp Quốc (IPPC) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo: Nhiệt độ trung bình ở VN sẽ tăng lên 300C, mực nước biển sẽ tăng lên 1m, làm ngập khoảng 1,5-2 triệu hécta đất và giảm năng suất cây trồng. Theo Viện Lúa quốc tế (IRRI), nếu nhiệt độ tăng thêm 10C, năng suất cây trồng giảm 10%…

Tác động của biến đổi khí hậu trên vựa lúa: Không nên bi quan

Tuy nhiên, theo một số nhà khoa học, BĐKHTC đã và đang diễn ra, nhưng đừng nên nghiêm trọng hóa vấn đề bởi đó là kịch bản viết cho… năm 2100 và đây không phải lần đầu trái đất bị hâm nóng, cũng không phải cứ BĐKHTC là tất cả mọi thứ đều xấu đi. Theo Tạp chí Science, đến nay trái đất đã trải qua ít nhất 4 thời kỳ BĐKHTC. Riêng ĐBSCL đã trải qua 2 lần “tang điền biến vi thương hải” (ruộng dâu biến thành bãi biển) và sau mỗi lần NBD, ĐBSCL lại được nới rộng thêm lãnh thổ ra biển Đông, biển Tây” – ThS Nguyễn Phước Tuyên – Phó GĐ Trung tâm KN-KN Đồng Tháp – nhấn mạnh. “Các nghiên cứu cho thấy, nếu giữ được rừng ngập mặn, các giồng cát thiên nhiên vùng duyên hải bên cạnh một loạt giồng được hình thành trong kỳ nước biển dâng trước đây, thì diện tích đất ĐBSCL bị mất vì nước biển dâng sẽ không nhiều như dự báo”.

Thậm chí đó còn là phúc, bởi BĐKHTC làm gia tăng hiện tượng xói mòn, sạt lở vách sông phía thượng nguồn thì lại giúp ĐBSCL tiếp nhận thêm nhiều phù sa, giảm áp lực mất đất do nước biển dâng. Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ tăng chỉ ảnh hưởng mạnh đến NN vùng ôn đới, rất ít ảnh hưởng đến NN vùng nhiệt đới như VN. Nhiều kết quả thực nghiệm đã chứng minh, hâm nóng toàn cầu sẽ làm cây ăn trái ĐBSCL trù phú hơn vì lục hóa gia tăng, kết hoa tượng trái nhiều hơn, năng suất cao hơn nhờ nắng hạn gia tăng và mưa trễ đầu mùa.

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, tác động này đến cây lúa chưa đáng lo, bởi ngoài khả năng điều chỉnh bằng kỹ thuật, việc cân đối lại diện tích trồng lúa còn góp phần làm giảm BĐKHTC. Các nghiên cứu của IPPC chứng minh, bình quân mỗi hécta lúa năng suất cao, lượng đạm thừa sẽ bốc hơi vào khí quyển dưới dạng 80 tấn khí ôxít nitơ (N2O), và 100 tấn khí mêtan (CH4) là 2 loại khí độc gấp 21- 300 lần khí CO2, góp phần làm gia tăng nguy cơ BĐKHTC.

Chung sống với hiểm hoạ

Bài học ngàn đời của VN và thế giới đã chứng minh: Không nên trực diện chống lại thiên nhiên, mà phải tìm cách né tránh tác hại và khai thác những tác động có lợi để chung sống hòa bình với nó. Từ bài học này, chúng ta hoàn toàn tin rằng, ĐBSCL sẽ “chung sống với BĐKHTC” như đã từng “chung sống với lũ”, thậm chí có thể biến thách thức này thành cơ hội đưa nông nghiệp lên tầm cao mới, nếu triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó như: Nghiên cứu, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi theo hướng điều tiết mặn, bẫy ngọt, tìm giống lúa kháng mặn, chịu hạn, chịu ngập sâu, thời tiết nóng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ một cách thích ứng với thực tế…” – GS-TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh. “Điều quan trọng là các nhà quản lý phải thay đổi thói quen trong xây dựng kế hoạch về cây lúa. Phải căn cứ vào vị thế đặc thù từng địa phương để chọn lựa mô hình phù hợp nhất”.

Thậm chí, theo GS-TS Nguyễn Sinh Huy, ngay cả trong trường hợp NBD cũng có tác động tích cực cho lĩnh vực NN nói chung, trồng lúa nói riêng. Khi NBD sẽ tạo áp lực “nâng” mực nước ngọt dâng cao sẽ là cơ hội tốt để đẩy nước ngọt từ sông Tiền vào hệ thống sông Vàm Cỏ và từ sông Hậu sang sông Cái Lớn – Cái Bé… Nghĩa là khả năng chuyển nước ngọt vào khu vực nội đồng trên ĐBSCL trở nên dễ dàng hơn trước. Đó là chưa kể đến tác động làm tăng cơ hội gia tăng mực nước ngầm, việc tiếp nhận nước mặn – lợ từ biển dễ dàng hơn cho nuôi trồng thuỷ sản, khả năng tương tác sông – biển cũng sẽ được cải thiện, tạo điều kiện tốt hơn cho đa dạng sinh học vùng cửa sông. Thế mới thấy BĐKHCT và NBD đâu chỉ là thảm họa!

 

Theo Lao động