Một bản nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, núi lửa phun trào có thể giúp giảm bớt ảnh hưởng của hiện tượng Trái đất nóng lên.
Theo các nhà khoa học, sự nóng lên của Trái đất trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2010 không nhanh như họ nhận định là nhờ các hợp chất hóa học phun ra trong quá trình phun trào của núi lửa trên toàn cầu.
Khi khí sulfua dioxide, sinh ra trong quá trình núi lửa phun trào, bay lên đến tầng bình lưu, nó sẽ tham gia vào một quá trình phản ứng hóa học, tạo thành những phân tử, có khả năng phản chiếu tia sáng Mặt trời ngược trở lại không gian, thay vì cho phép nó chiếu trực tiếp xuống Trái đất. Đây chính là nguyên nhân khiến hiện tượng nóng lên của Trái đất phần nào bị hạn chế.
Các nhà khoa học đã tiến hành quan sát sự tăng lên của các phân tử “phân tán Mặt trời” này trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2010. Một vài nghiên cứu cho thấy, khí thải từ các nước đang phát triển tại châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc đã phần nào khiến lượng khí sulfua dioxide tăng lên tới 60% trong một thập kỷ, chủ yếu là do đốt than. Tuy nhiên, có một vài nghiên cứu lại chỉ ra rằng chính núi lửa mới là nguyên nhân quan trọng khiến lượng sulfua dioxide tăng đến nhường đó.
Sử dụng máy tính để so sánh sự thay đổi ở tầng bình lưu khi chịu sự tác động của việc đốt than tại châu Á và hiện tượng núi lửa phun trào trên toàn thế giới trong những năm từ 2000 đến 2010, các nhà khoa học đã rút ra kết luận chính hiện tượng núi lửa phun trào là nguyên nhân dẫn tới việc các phân tử trong khí quyển tăng lên.
Núi lửa phun trào giúp làm giảm tốc độ nóng lên của Trái đất.
“Nghiên cứu này cho thấy khí thải từ những vụ núi lửa phun trào từ nhỏ tới vừa đã giúp làm chậm quá trình nóng lên của Trái đất”, Ryan Neely, người thực hiện nghiên cứu này như một phần trong luận án tiến sỹ của mình tại đại học Colorada, Boulder nói.
“Phát hiện này cho thấy các nhà khoa học cần để tâm nghiên cứu tới những dạng phun trào núi lửa khi nghiên cứu thay đổi khí hậu hơn. Tuy nhiên, những núi lửa hoạt động lâu không có khả năng cân bằng được tình trạng nóng lên của Trái đất bởi khí thải từ hoạt động của núi lửa có lúc lên, lúc xuống, trong khi khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các hoạt động của con người thì chỉ có tăng lên”, Brian Toon, Giáo sư tại đại học Colorado nói.
Theo giáo sư Toon, hoạt động của những núi lửa lớn có ảnh hưởng khá nhiều tới khả năng “làm mát” nhiệt độ toàn cầu, như núi Pinatubo ở Philippines, phun trào năm 1991, với một lượng khí sulfat dioxide thải vào tầng bình lưu đủ để làm Trái đất giảm đi 0,55 độ C và “làm mát” Trái đất được trong vòng 2 năm.
Theo Kien Thuc