Tắc kè hoa là loài bò sát nổi tiếng với tài ngụy trang tinh vi bằng cách thay đổi màu sắc, chúng có thể thay đổi màu sắc của bản thân giống với màu sắc của môi trường xung quanh để trốn tránh kẻ thù.
Đó là điều mà ai cũng biết, tuy nhiên một con tắc kè hoa bị mù liệu còn có khả năng thay đổi màu sắc của bản thân hay không lại là câu hỏi mà không phải ai trả lời được. Có nhiều người sẽ nghĩ rằng, một con tắc kè hoa bị mù sẽ không thể nhìn thấy màu sắc của môi trường xung quanh, và do đó nó sẽ không thể đổi màu để giống với môi trường. Vậy sự thật như thế nào?
Để trả lời câu hỏi trên, trước hết chúng ta hãy thử tìm hiểu làm thế nào một con tắc kè hoa có thể thay đổi màu sắc của cơ thể và vì sao chúng lại cần phải làm như vậy. Có một sự thật mà rất nhiều người đã nhầm lẫn, tắc kè hoa thay đổi màu sắc của cơ thể không phải để ngụy trang. Trên thế giới có khoảng 160 loài tắc kè hoa khác nhau, chúng sống trong những môi trường khác nhau từ rừng rậm cho đến sa mạc và cả trên các vách đá dựng đứng, chúng cũng có nhiều màu sắc cơ bản khác nhau từ xanh, cam, đỏ ,vàng…
Những màu sắc cơ bản này của loài tắc kè hoa vốn dĩ đã giống mới màu sắc của môi trường mà chúng sinh sống, để giúp chúng ngụy trang. Chúng ta thường thấy những con tắc kè hoa di chuyển rất chậm chạp, tuy nhiên thực tế chúng có thể chạy với vận tốc lên đến 30km/h. Do đó mà chúng không cần phải thay đổi màu sắc giúp ngụy trang để trốn tránh kẻ thù, thay vào đó việc đổi màu sắc của cơ thể giúp chúng kiểm soát nhiệt độ và thể hiện cảm xúc của mình với những con tắc kè khác, hoặc đe dọa kẻ thù.
Tắc kè hoa là loài bò sát máu lạnh, do đó mà chúng không thể điều chỉnh được nhiệt độ của cơ thể. Việc thay đổi các sắc tố trên da là một cách giúp chúng duy trì nhiệt độ cơ thể. Một con tắc kè hoa khi bị lạnh sẽ chuyển màu sắc trở nên tối hơn giúp hấp thụ nhiệt tốt hơn, ngược lại nếu cơ thể chúng đang bị nóng, da của chúng sẽ chuyển màu nhạt hơn giúp giảm sự hấp thụ nhiệt từ ánh Mặt Trời.
Bên cạnh việc điều chỉnh nhiệt độ, tắc kè hoa còn sử dụng khả năng thay đổi màu sắc của mình để thể hiện cảm xúc hay đe dọa kẻ thù. Một con tắc kè hoa cảm thấy thoải mái sẽ có màu sắc nhạt hơn, trong khi đó nếu phát hiện có kẻ xâm phạm lãnh thổ của mình, nó sẽ đổi sang màu sắc đậm hơn như màu đỏ hoặc đen để đe dọa. Trong mùa giao phối, những con tắc kè hoa đực sẽ thay những bộ áo có màu sắc sặc sỡ để thu hút bạn tình. Còn những con tắc kè hoa cái cũng sử dụng màu sắc của cơ thể để báo hiệu rằng nó đã sẵn sàng để giao phối.
Khả năng thay đổi màu sắc của tắc kè hoa là một trong những điều tuyệt vời nhất của tạo hóa. Con người cũng đã đang và sẽ tiếp tục nghiên cứu cơ chế thay đổi màu sắc này để có thể áp dụng trong các ngành công nghiệp. Lớp da ngoài cùng của tắc kè có màu trong suốt, ở dưới lớp da này là các tế bào sắc tố, chúng được chia thành từng lớp khác nhau. Lớp sâu nhất chứa melanophores với các sắc tố màu nâu giống da người. Trên lớp này là các tế bào sắc tố xanh, phản chiếu ánh sáng màu xanh và trắng. Lớp trên cùng là các tế bào sắc tố xanthophores và erythrophores, với màu vàng và màu đỏ tương ứng.
Thông thường các tế bào sắc tố này được giữ trong những chiếc túi nhỏ dưới da. Khi con tắc kè hoa thay đổi nhiệt độ cơ thể hoặc tâm trạng của chúng. Hệ thống thần kinh của nó điều khiển việc mở hoặc đóng các túi chứa tế bào sắc tố này, khi được mở ra các tế bào sắc tố sẽ góp phần làm thay đổi màu sắc trên da của nó. Với mỗi loài tắc kè khác nhau, chúng lại có những tế bào sắc tố khác nhau và nhờ vậy mà màu sắc của chúng rất đa dạng.
Như vậy việc thay đổi màu sắc cơ thể của tắc kè hoa hoàn toàn không nhằm mục đích để ngụy trang, bên cạnh đó chúng cũng không hề sử dụng thị giác để quan sát màu sắc xung quanh. Việc thay đổi màu sắc phụ thuộc vào nhiệt độ và cảm xúc bên trong của con tắc kè. Do đó mà một con tắc kè hoa bị mù vẫn có thể thay đổi màu sắc cơ thể của nó.
Tuy nhiên việc bị mù khiến nó không thể nhìn thấy những con tắc kè khác xung quanh, hay nhìn thấy kẻ thù. Do đó mà việc thay đổi màu sắc do cảm xúc sẽ bị giảm bớt. Mặc dù vậy, nó vẫn có thể thay đổi màu sắc để điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể, quá trình này là một phản xạ vô điều kiện và không thể kiểm soát được.
Theo Genk