Ngọn núi lửa Vesuvius xóa sổ thành phố Pompeii (Italy) từ lâu nhưng nhiều tòa nhà và xương người chết vẫn tồn tại đến ngày nay. Các nhà khoa học vừa hoàn thành dự án tái hiện ngày cuối cùng của một gia đình trong thành phố này.
Ngọn Vesuvius đang phun lửa (tranh vẽ khoảng năm 1768). Ảnh: Corbis/ Christie’s Images. |
Với tính chính xác và tỉ mỉ đến mức ghê rợn, họ cho thấy dân cư thành phố đã chết một cách đau đớn như thế nào. Ngày cuối hè 24/8 của năm 79 sau Công nguyên ở Pompeii rất đẹp và thành phố bên bờ Vịnh Naples này đang nhộn nhịp. Lúc mặt đất bắt đầu kêu ì ầm vào khoảng 13 giờ, gần như không một ai linh cảm được thảm họa sắp xảy ra vì người dân địa phương đã quen với những cơn địa chấn. Lần động đất lớn cuối cùng vừa xảy ra 17 năm trước đó.
Nhưng lần này thì khác. Khói xuất hiện từ ngọn núi lửa Vesuvius gần đó, tạo hình như một cây thông có nhánh rẻ quạt ở phía trên. Một người phụ nữ trẻ tuổi đang đứng trong ngôi vườn thuộc căn biệt thự sang trọng của Julius Polybius, ngay cạnh con đường chính Via dell’Abbondanza. Cô là cháu dâu của vị thương gia giàu có này. Có lẽ cô lo sợ khi nhìn thấy cột khói đầy vẻ đe dọa, mà cũng có thể cô chẳng hề quan tâm đến nó.
Người phụ nữ trẻ đó chết như thế nào đã được làm rõ trong dự án tái hiện thảm họa của các nhà nghiên cứu. Cùng với 2 đồng nghiệp Giuseppe Luongo và Annamaria Perrotta, nhà nghiên cứu về núi lửa Claudio Scarpati của Đại học Neapel Federico II đã dựng lại những giờ phút cuối cùng của người phụ nữ sắp làm mẹ này.
Các nhà khoa học nghiên cứu lớp trầm tích núi lửa trong ngôi biệt thự của Julius Polybius. Trước đó họ đã biết chính xác thời gian xảy ra trận động đất, bởi nhà văn Plinius đã tường thuật lại từng phút một về trận động đất trong các lá thư gửi sử gia Tacitus. Trong thư ông mô tả người bác chết dưới cơn mưa lửa.
Đường phố trong thành phố cổ Pompeii. Ảnh: DDP. |
Liên kết giữa khoa học núi lửa và khảo cổ học
Kết hợp khảo cổ học và khoa học về núi lửa, các nhà nghiên cứu thành công trong việc tái hiện những diễn biến đã xảy ra trong căn biệt thự của Polybius. “Chúng tôi đã phát triển một phương pháp mà nhờ vào đó ta có thể biết được những hư hỏng nào do thời kỳ phun lửa nào gây ra”, nhà nghiên cứu Claudio Scarpati nói.
Các nhà khoa học xem xét thứ tự của những lớp đất khác nhau và phân tích gene. Nữ tiến sĩ sinh học phân tử Marilena Cipollaro tiến hành phân tích ADN của gia đình Polybius, gồm ba người đàn ông, ba phụ nữ trong độ tuổi giữa 16 và 18 cùng 4 bé trai và 1 bé gái. “Các đứa bé có lẽ là anh chị em. Một người đàn ông, khoảng từ 25 đến 30 tuổi, có thể là một người anh em họ. Nhưng 3 người phụ nữ thì không có quan hệ họ hàng”, Marilena nhận xét.
Claudio và đồng nghiệp nghiên cứu tại Pompeii từ 6 năm nay. Ngoài ngôi biệt thự của Polybius họ cũng tiến hành khai quật trong nghĩa trang tại Porta Nola và nhiều căn nhà khác trong vùng. “Kết quả khai quật ở các nơi đó phù hợp với những điều chúng tôi phát hiện được trong biệt thự của Polybius, theo đó gia đình này vẫn còn sống sót được khoảng 19 giờ đồng hồ sau khi Vesuvius bắt đầu phun lửa. Họ quyết định vẫn trú ẩn trong căn nhà ở giai đoạn đầu, có lẽ vì như vậy sẽ an toàn hơn cho người phụ nữ sắp sinh con. Đó là một chiến lược đúng đắn trong tình huống như vậy”, Scarpati nói.
Ngôi nhà của thương gia Julius Polybius. Ảnh: Claudio Scarpati |
Trốn chạy vào bẫy của tử thần
Nhưng trong lúc đó nhiều người dân của Pompeii đang cố chạy ra khỏi thành phố để rồi rơi vào cái bẫy chết người. Vì ngoài tro nóng còn có nhiều hòn đá rực lửa rơi xuống thành phố với vận tốc 200 km/h. Trong số nạn nhân mà người ta tìm thấy, có 38% đã chết trong những giờ đầu tiên. “Những bộ xương nằm lộ thiên thường có hộp sọ bị vỡ tan”, Claudio cho biết.
Có lẽ số người chết vì trận mưa đá còn lớn hơn rất nhiều, vì cho đến nay chỉ có rất ít hoạt động khai quật bên ngoài phạm vi của thành phố. Nhưng chính ở vùng ngoại ô người dân chạy tới mới không có nơi ẩn náu để tránh trận mưa đá của tử thần. Không ai biết còn bao nhiêu người chết dưới lớp đá được tạo thành từ tro núi lửa dày hàng mét trên những con đường cổ xưa ở ngoại ô Pompeii.
Màn cuối của thảm kịch
“Người dân Pompeii nhìn cột khói cao 32 km trên bầu trời, tạo thành đám mây khổng lồ che khuất cả mặt trời. Đá từ trên trời rơi xuống phủ lấp tất cả mọi thứ. Nếu đối mặt với tình huống ấy, tôi cũng mang gia đình và con cái cố chạy xa khỏi ngọn núi lửa càng nhanh càng tốt”, Claudio nói.
Tro bụi núi lửa rơi càng lúc càng mạnh và dày. Cứ sau mỗi giờ độ dày của lớp tro bụi trên đường phố lại tăng thêm 15 cm. Chẳng bao lâu sau đó, nhiều mái nhà không thể chịu đựng được khối lượng của lớp tro bụi và đá do núi lửa phun ra. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, phần mái phía trước của ngôi biệt thự sập vào lúc khoảng 19 giờ. Gia đình này chạy trốn vào phần phía sau. Mái nhà ở đấy dốc hơn nên tro bụi không bám lại được.
Bộ xương người còn lại trong nhà của Polybius. Ảnh: Claudio Scarpati. |
Nhờ mô tả của nhà văn Plinius mà các nhà khoa học có thể xác định được hư hại của ngôi biệt thự đã xảy ra trong khoảng thời gian nào và hiểu được phản ứng của những người đang nấp bên trong. “Chỉ nhờ vào đó mà chúng tôi hiểu được tại sao các xác chết lại nằm trong những căn phòng có mái dốc. Gia đình này đã trú ẩn trong phần an toàn nhất của căn nhà”, Claudio cho biết.
Khi thảm họa sắp đến đoạn kết, người phụ nữ sắp làm mẹ và chồng của cô đang ngồi trong góc phía tây bắc của gian phòng. Hai người khác đang nằm trên giường.
Cái chết đến vào lúc bình minh của ngày 25/8 năm 79 sau Công nguyên. Dòng chảy có nhiệt độ tới 800°C của khí và đá nóng chảy xóa sạch mọi sự sống khi nó trào xuống thung lũng, tiến vào phía sau của căn nhà, qua khu vườn rồi đến mặt tiền. Không còn lối thoát. Tro bụi len vào từng kẽ hở và khiến những con người bất hạnh ấy chết ngạt.
Mặt trời dường như không mọc vào ngày hôm đó. Phần mái phía sau của ngôi biệt thự đổ sập trong khoảng giữa 7 và 8 giờ. Sau đó chỉ còn sự im lặng của chết chóc.
Theo VnExpress (Spiegel Online)