Tin tức về gió bão tấn công vùng bờ biển của Florida, Louisiana cùng nhiều bang đông nam khác của Hoa Kỳ thường xuyên xuất hiện trên các mẩu tin trong suốt mùa hè vừa qua, trong khi cảnh báo về bão đến từ Thái Bình Dương như bão Jimena chẳng hạn lại rất hiếm gặp.
Trên thực tế, chỉ có duy nhất một cơn bão được cho là từng tấn công California và điều này xảy ra vào năm 1858. Liệu nó có xảy đến một lần nữa? Câu trả lời không hẳn là “không”, nhưng rất khó nói được đến năm nào nó mới lại xảy ra.
Sự chênh lệch là kết quả của các điều kiện khí quyển và đại dương diễn ra ở cả hai vịnh, điều này khiến cho bão ở Đại Tây Dương có xu hướng tiến vào đất liền trong khi bão trên Thái Bình Dương lại đi ra xa khỏi vùng bờ biển. Đây chính là nguyên nhân vì sao vùng bờ Tây nước Mỹ không mấy khi chịu những cơn cuồng phong đến từ đại dương.
Các cơn bão trên cả hai đại dương kể trên đều có chung một cơ chế hình thành, trong đó nước đại dương ấm là nguyên nhân chính.
“Chúng giống nhau về mọi mặt, từ quá trình hình thành cho tới hình dáng,” theo lời Dennis Feltgen, phát ngôn viên của Trung tâm Dự báo Bão Quốc gia đặt tại Miami.
Nhưng các cơn bão trên Thái Bình Dương thường ít được nhắc đến và ít gây thiệt hại hơn so với bão Đại Tây Dương. Trung bình cứ 15 cơn bão xuất hiện trên vịnh đông Bắc Thái Bình Dương thì tương ứng có 11 cơn bão trên Đại Tây Dương. Điều đáng lưu ý là, bão Thái Bình Dương hầu như không bao giờ tấn công vào lục địa Hoa Kỳ, trong khi bão Đại Tây Dương đổ bộ vào vùng đất liền này trung bình gần 2 lần mỗi năm. (Mùa bão Đại Tây Dương thường kéo dài từ 1/6 tới 30/11.)
Các điều kiện ảnh hưởng sự phát triển và di chuyển của những cơn bão này sẽ quyết định bão có đổ bộ vào đất liền hay không, cũng như địa điểm đổ bộ cụ thể của chúng.
Gió và hơi ấm
Gió ở vùng nhiệt đới Bắc bán cầu, nơi lốc nhiệt đới thường hình thành, thổi theo hướng từ đông sang tây, do đó chắc chắn các cơn bão đại dương cũng phải di chuyển theo hướng này. Điều này đồng nghĩa với việc bão Đại Tây Dương sẽ di chuyển về phía đất liền, cụ thể là vào miền đông và miền nam nước Mỹ, cũng như quần đảo Caribe và đôi khi cả Mexico.
Nhưng ở Thái Bình Dương, cũng những luồng gió này sẽ đẩy bão ra xa khỏi đất liền. “Hầu như toàn bộ các cơn bão đều di chuyển ra phía biển,” Feltgen nói.
Đôi khi, một vài kiểu thời tiết đặc biệt lại khiến bão trên Đại Tây Dương di chuyển ra phía biển và đẩy bão Thái Bình Dương về phía đất liền như trong trường hợp bão Jimena.
Một yếu tố khác cũng góp phần bảo vệ các thành phố ở bờ tây Hoa Kỳ, như California chẳng hạn, là nhiệt độ nước đại dương. Bão biển thường hình thành trên các vùng nước đại dương ấm, nhiệt độ nước thấp hơn sẽ làm giảm bớt nguồn “nhiên liệu” và làm các cơn bão yếu đi.
Trong khi bão Thái Bình Dương thường suy yếu trước khi kịp đổ bộ vào California, thì bão trên bờ Đông lại có điều kiện ngày càng phát triển nhờ ảnh hưởng nhiệt từ dòng Gulf Stream (dòng nước ấm từ vịnh Mexico qua Đại Tây Dương đến châu Âu).
Bão Thái Bình Dương
Năm 2004 người ta đã phát hiện ra rằng có vẻ một cơn bão biển đã tàn phá San Diego vào năm 1858. Michael Chenoweth, nhà nghiên cứu thuộc cơ quan phụ trách Khí hậu và Đại dương Quốc gia, đã tìm thấy những dữ liệu về cơn bão trên các mặt báo California. Chenoweth cùng Chris Landsea, hai thành viên của cơ quan nói trên, đã sử dụng tư liệu báo chí cùng các quan sát khí tượng học để miêu tả cơn bão đã bị lãng quên và vẽ lại đường đi của nó.
Các miêu tả về cơn bão này có đề cập đến gió lốc cực mạnh, mái nhà bị thổi bay, cây bật gốc và hàng rào bị kéo đổ.
Năm đó có thể là năm hiện tượng El Nino hoành hành dữ dội, khiến nước Thái Bình Dương ấm hơn thường lệ, thuận lợi cho sự hình thành của bão biển (trong khi lại ít thuận lợi cho bão biển trên Đại Tây Dương).
Phát hiện này rất quan trọng đối với giả thuyết cho rằng hiện tượng trái đất nóng lên làm tăng nhiệt độ bề mặt đại dương. Nếu một cơn bão biển cấp độ 1 (cấp thấp nhất theo thang Saffir-Simpson) tấn công San Diego hay Los Angeles ngày nay, nó có thể gây ra thiệt hại ít nhất là vài trăm triệu USD.
Theo G2V Star (LiveScience)