Tại sao con người luôn muốn chinh phục đỉnh Everest?

Tại sao con người luôn muốn chinh phục đỉnh Everest?

Cứ mỗi mùa Xuân, bên cạnh những câu chuyện về sự thành công cũng không thiếu những bi kịch của những người leo núi khi chinh phục đỉnh Everest, bao gồm một vụ lở tuyết mới đây đã khiến 13 người dân sống quanh vùng thiệt mạng khi đang leo núi.

Tuy nhiên, hàng trăm người từ nhiều quốc gia khác nhau vẫn đang tụ họp ở khu cắm trại dưới chân núi, và nhiều người trong số đó đã lên kế hoạch chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới trong vài tuần kế tiếp.

Vậy tại sao việc leo lên được đỉnh Everest lại hấp dẫn đến thế, bất chấp cả chi phí cao và những nguy cơ rình rập?

Câu trả lời với mỗi người leo núi là khác nhau, nhưng các nghiên cứu cho rằng, những người thích mạo hiểm thường nhìn nhận bản thân họ khác với những người không thích mạo hiểm. Với những người bị Everest thu hút, đỉnh núi này là giấc mơ cả đời của họ.

“Tôi hoàn toàn bị ngọn núi này thu hút. Nó đại diện cho đỉnh cao lớn nhất mà mọi người muốn chinh phục. Đó là một ngọn núi màu nhiệm với khả năng cuốn hút mọi người, giống như thiêu thân bị thu hút bởi ánh đèn vậy”, Alan Arnette, một nhà leo núi và blogger chuyên viết về Everest chia sẻ.

Ý tưởng chinh phục đỉnh Everest đã xuất hiện cách đây hơn 150 năm khi những người lập bản đồ địa hình người Anh khẳng định nó là ngọn núi cao nhất thế giới.

Tại sao con người luôn muốn chinh phục đỉnh Everest?
Đỉnh Everest. (Ảnh: livescience)

Everest nhanh chóng trở thành “Cực thứ ba” khi các nhà thám hiểm đua nhau tìm cách trở thành người đầu tiên đặt chân lên đỉnh núi.

Maurice Isserman, một nhà sử học thuộc Đại học Hamilton (Clinton, New York) nói về Everest như sau: “Từ khi được trao danh hiệu ngọn núi cao nhất, Everest đã trở thành một biểu tượng đầy mê hoặc. Có nhiều ngọn núi khác thú vị hơn, đẹp hơn và cũng nhiều thử thách hơn để trải nghiệm. Nhưng chinh phục được Everest mới là một chiến tích – chiến tích lớn nhất”.

Khi được tờ New York Times hỏi lý do chinh phục Everest, nhà leo núi người Anh George Mallory, người đã qua đời trong chuyến thám hiểm thứ ba tại Everest năm 1924, đã có một câu trả lời sau đó trở nên nổi tiếng: “Bởi vì nó ở đó”.

Andreas Wilke, một nhà tâm lý học thuộc Đại học Clarkson (Potsdam, New York) cho biết, không phải ai cũng muốn chinh phục Everest, và những người muốn làm điều đó thường vì sự thôi thúc tìm kiếm cảm giác mạnh rất mãnh liệt, một phần được quy định bởi gene. Các nghiên cứu về việc ra quyết định cũng cho thấy một số người có xu hướng chấp nhận hoặc từ chối chấp nhận mạo hiểm nhiều hơn những người khác.

Tuy nhiên, mức độ chấp nhận mạo hiểm tương đối phức tạp hơn những gì các nhà tâm lý học từng dự đoán. Trong những nghiên cứu về những người thích các môn thể thao mạo hiểm như nhảy bungee (buộc mình vào dây rồi nhảy từ trên cao xuống) hay lặn có bình dưỡng khí, Wilke nhận thấy có những người dành rất nhiều tiền để mua bảo hiểm ôtô. Điều này có nghĩa là những người chấp nhận mạo hiểm tại một thời điểm nào đó của cuộc đời không có nghĩa là cả đời họ sẽ phải sống mạo hiểm.

Tuy nhiên, khi được yêu cầu đánh giá các hành vi của mình, những người tham gia nghiên cứu thường không cho những gì mình làm là quá mạo hiểm như những người khác nghĩ, vì họ có kỹ năng để làm việc đó hoặc những lợi ích thu được đã làm lu mờ sự sợ hãi. Sự cân bằng giữa nguy cơ và phần thưởng này cũng khác nhau giữa các cá nhân.

Từ góc độ tiến hóa, Wilke cho rằng, việc chấp nhận mạo hiểm có thể là một lợi thế, nhất là với nam giới vì nó thể hiện sức mạnh và bản lĩnh với những người khác giới. Theo lý thuyết này thì việc chinh phục Everest thành công sẽ nâng cao danh tiếng của một người.

Với những người đã chinh phục Everest thành công, sự kiện này có ý nghĩa hơn là thể hiện bản thân rất nhiều. Leo lên ngọn núi cao hơn 8.000m, đứng trên đỉnh của thế giới và sau đó trở về nhà an toàn là một trải nghiệm không gì sánh bằng.

“Nó khiến bạn tập trung vào những gì quan trọng với bạn. Có hàng nghìn lý do để từ bỏ nhưng chỉ có một lý do khiến bạn phải đi tiếp. Bạn phải tập trung vào lý do quan trọng và đặc biệt nhất với bạn đó. Nó buộc bạn nhìn sâu hơn vào con người bạn và tìm kiếm xem liệu bạn có sự cứng rắn cả về thể chất và tinh thần để tiếp tục tiến lên khi bạn muốn dừng lại hay không. Và khi trở về, bạn nhận ra rằng mình đã vượt qua thử thách thành công”, Arnette chia sẻ.

 

Theo Vietnam+