Một nghiên cứu mới có thể giải thích một số bí ẩn về khủng long, như tại sao loài động vật khổng lồ lại sinh con bé xíu, tại sao khủng long không bay lại tuyệt chủng, và tại sao chim ngày nay lại bay.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Biology Letters giải thích cách mà chim và động vật có vú có thể sống sót qua giai đoạn tuyệt chủng cách đây 65,5 triệu năm. Kích thước cơ thể to lớn và cách đẻ trứng của khủng long có thể đóng vai trò quan trọng.
“Những khủng long thành công nhất là những con lớn có ưu thế trong quá trình cạnh tranh với các loài. Sau khi tuyệt chủng hàng loạt, chúng lại cố gắng đạt tới kích thước to lớn, nhưng để thắng thế trong quá trình cạnh tranh loài thì chúng phải đạt tới trọng lượng nhiều tấn”, Daryl Codron, tác giả chính của nghiên cứu, nói.
Vì những con khủng long trưởng thành khổng lồ có xu hướng đánh bại con trưởng thành cỡ trung bình, cùng với thực trạng là chúng không thể đẻ trứng lớn nên hầu hết các loài khủng long có kích thước hoặc rất nhỏ hoặc cực lớn. Các loài động vật có vú khác lấp vào khoảng trống trong hệ sinh thái với kích thước cơ thể trung bình.
Đợt tuyệt chủng thảm khốc cách đây 65,5 triệu năm đã xóa sổ những loài khủng long khổng lồ, sau đó ít loài khủng long sống sót để lấp vào chỗ trống trong chuỗi thức ăn. Động vật có vú sinh sôi đa dạng, còn các loài khủng long không phải là chim đã biến mất.
Lý thuyết này có thể giải thích tại sao những loài khủng long đang sống ngày nay – tức chim – có thể sống sót và phát triển khả năng bay.
Khủng long không phải là loài chiếm ưu thế tuyệt đối
trong cuộc chiến cạnh tranh. (Nguồn: Discovery)
“Nhiều người nghĩ rằng khủng long là các đối thủ cạnh tranh vượt trội, nhưng có bằng chứng cho thấy động vật có vú đã sinh sôi mạnh trong thời kỳ khủng long, dù những động vật có vú có lẽ đã ăn thịt khủng long con hoặc trứng khủng long”, Codron nói.
Vì thế, “kết quả nghiên cứu của chúng tôi có thể giúp lý giải quá trình tiến hóa tới khả năng bay. Khủng long nhỏ cần phải tìm chỗ trống trong hệ sinh thái để tránh động vật có vú vì chúng phải cạnh tranh lẫn nhau và cạnh tranh với động vật có vú”.
Christine Janis, giáo sư sinh học ở ĐH Brown (Mỹ), nói rằng dạ dày hóa thạch của Repenomamus, động vật có vú lớn nhất trong kỷ phấn trắng, chứa một con khủng long chưa trưởng thành.
“Sự thật là tất cả khủng long đều phải trải qua giai đoạn non nớt tương đối độc lập và phải cạnh tranh với động vật có vú. Điều này có thể ảnh hưởng tới kết quả phục hồi dân số sau khi xảy ra tuyệt chủng hàng loạt”, Janis nói.
Có vẻ trong tất cả các loài động vật có vú thời đó thì chim không thể lớn hơn được.
Những động vật có vú khổng lồ đẻ con cũng rất to, nhưng khủng long gặp hạn chế trong vấn đề đẻ trứng. Nghĩa là những con khủng long nặng tới 150 tấn cũng chỉ đẻ trứng tương đối nhỏ.
“Chúng không thể đẻ trứng lớn vì khi đó vỏ trứng sẽ mỏng tang, khiến trứng dễ bị vỡ hoặc làm mất oxy của phôi thai trong trứng. Đối với động vật đẻ trứng nhỏ thì không sao, nhưng động vật lớn cũng phải đẻ trứng tương đối nhỏ để bảo đảm an toàn”.
Theo Đất Việt, Discovery