Tại sao nằm ven biển nhưng Quảng Ninh vẫn bị lũ lụt?

Mưa kỷ lục trong vòng 50 năm cùng với việc sạt lở đất làm tắc nghẽn các dòng chảy, nên Quảng Ninh đã chìm trong nước, có nơi sâu gần 2 m.

Lý giải nguyên nhân trận lũ lụt lịch sử ở Quảng Ninh

Chiều 29/7, tại Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, các chuyên gia khí tượng, địa chất đã trao đổi với báo chí nhiều thông tin liên quan tới trận lụt lịch sử tại tỉnh Quảng Ninh.


VideoCảnh ghe thuyền đi trên đường phố ở Quảng Ninh

Tiến sĩ Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, từ ngày 26-28/7 lượng mưa cực lớn đổ xuống Quảng Ninh. Tổng lượng mưa có nơi đo được gần 1.000 mm trong 3 ngày.

Nguyên nhân chính của hiện tượng là do áp thấp và tạo luồng đối lưu mạnh tại khu vực này. Vùng áp thấp nằm trọn trong vịnh Bắc Bộ, nên vùng ven biển Quảng Ninh chịu ảnh hưởng trực tiếp. “Đây là đợt mưa lớn nhất tại Quảng Ninh trong vòng 40-50 năm trở lại đây”, ông Cường nói.

Nước suối Lộ Phong, phường Hà Phong (TP Hạ Long) dâng cao khiến nhiều khu dân cư chìm trong biển nước. Cảnh sát PCCC được huy động ứng cứu người dân. (Ảnh: Báo Quảng Ninh.)

Ông Cường cho hay, trung tâm đã liên tục đưa ra cảnh báo về đợt mưa lũ từ ngày 23/7. Tuy nhiên, mưa cấp tập từ chiều tới nửa đêm về sáng nên thông tin đến được tới các đơn vị phòng chống có phần hạn chế.

Tiến sĩ Lê Quốc Hùng – Phó Viện trưởng viện Địa chất Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, mặc dù Quảng Ninh không phải tỉnh có nguy cơ sạt lở đất đá cao như vùng núi, nhưng với lượng mưa lịch sử đã khiến đất đá bị bão hòa, gây sạt lở.

“Thảm phủ thực vật sơ mỏng, mặt đất yếu nên các sườn đồi, dốc khó tồn tại khi chịu lượng mưa lớn trong nhiều ngày”, tiến sĩ Hùng nói.

Ông Hùng lưu ý, các vùng có nguy cơ sạt lở cao là Hạ Long, Cẩm Phả – nơi có nhiều khu dân cư tại sườn đồi. “Tất cả vùng đồi núi của Quảng Ninh đều cảnh báo nguy cơ nguy hiểm“, ông Hùng cảnh báo.

Trao đổi về nguy cơ sạt lở đất tại Quảng Ninh, tiến sĩ Bùi Minh Tăng – nguyên Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, lượng mưa trong 3 ngày đạt từ 500 đến 800 mm, một số nơi xấp xỉ 1.000 mm, vượt tất cả số liệu quan trắc của tỉnh Quảng Ninh từ trước tới nay.

Theo ông Tăng, địa hình Quảng Ninh khá phức tạp, đặc biệt các bãi thải lớn của các mỏ than như những quả đồi nhân tạo. Kết dính tại các bãi thải rất yếu, khi gặp mưa lớn, việc sạt lở không thể tránh khỏi.

“Việc sạt lở tại các bãi thải khiến bùn cát trộn lại làm tắc hệ thống cống rãnh và sông suối, làm hạn chế dòng chảy đổ ra biển. Vì vậy, ngập úng tại Quảng Ninh rất nặng nề”, ông Tăng cho hay.

Ông Tăng cho đánh giá cường độ mưa tại Quảng Ninh trong những ngày cuối tháng 7 còn lớn hơn đợt mưa lịch sử tại Hà Nội vào tháng 11/2008.

Ông Lê Thanh Hải – Phó tổng Giám đốc trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc nhận định 2015 là năm xảy ra nhiều hình thái thời tiết cực đoan. (Ảnh: Công Khanh.)

Tiến sĩ Lê Thanh Hải nhận định, trong năm 2015 Việt Nam đã gặp nhiều kiểu thời tiết cực đoan. Đó là một mùa hè rất nóng nhưng lại có rét bất thường tại Sa Pa, trận dông lịch sử tại Hà Nội, hạn hán kỷ lục tại Nam Trung Bộ và bây giờ là mưa tại Quảng Ninh.

“Rất có thể trong tương lai chúng ta sẽ đối mặt với hiện tượng thời tiết cực đoan khác“, ông Hải lưu ý.

UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau 3 ngày mưa lũ (từ 26-28/7), địa phương thiệt hại về tài sản trên 1.000 tỷ đồng, 23 người thiệt mạng và mất tích.

 

Theo Zing.vn