Radio luôn là một phần không thể thiếu trong những trường hợp nguy cấp cho dù đó chỉ là một cái radio thường hoặc là một chiếc radio thời tiết do Cơ quan quản lý Hải dương và Khí quyển Mỹ cung cấp. Nhưng trong thời đại mà sóng di động mang lại nhiều tính năng vượt trội so với sóng radio, tại sao người ta vẫn tin dùng một công nghệ “lão thành” như thế để truyền thông tin trong các tình huống khẩn cấp?
Câu trả lời đơn giản là sóng radio truyền được xa hơn sóng tín hiệu LTE. Điều đó giúp radio dễ bắt sóng hơn và có khả năng truyền thông tin càng nhiều người hơn, ưu tiên số một trong tình huống khẩn cấp.
Sóng Radio truyền được xa hơn tín hiệu di động
Điều này rất dễ hiểu nếu bạn biết nguyên lý hoạt động của sóng radio. Theo lý thuyết, sóng có tần số càng cao thì truyền được càng nhiều dữ liệu, dữ liệu truyền được càng nhiều thì đi được càng ngắn. Ngược lại, sóng có tần số thấp truyền được ít dữ liệu nhưng lại đi xa hơn. Tất nhiên, khoảng cách truyền sóng còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác như công suất phát, độ cao ăng ten, các tín hiệu can nhiễu…
Radio thời tiết của NOAA.
Nhìn vào phổ điện từ, sóng radio truyền thống tồn tại ở tần số thấp: thường sẽ nằm trong khoảng 525 đến 1705 Hz đối với sóng AM hoặc 88 đến 108 MHz đối với sóng FM (1MHz = 1000 kHz). Do đó, các trạm radio AM có tầm phủ sóng lớn hơn trạm FM vì các trạm FM phát sóng có tần số cao hơn và tầm phủ sóng thường giới hạn ở một địa phương.
Công nghệ di động – dù là 2G, 3G hay LTE – hoạt động ở tần số còn cao hơn nữa: giữa 700 MHz và 2100 MHz đối với mạng hiện đại. Trong khi mạng di động có thể giúp chúng ta đăng bài lên Twitter, đưa hình lên Instagram, xem phim trên Netflix nhờ tốc độ cực cao, tín hiệu truyền đi có tầm phủ sóng khá ngắn. Điều này có nghĩa là cần rất nhiều cột viễn thông mới phủ sóng tương đương với diện tích một trạm radio. Bạn hãy thử nhớ lại xem có bao nhiêu lần các công ty nhà mạng quảng cáo xem ai là bên có nhiều trạm thu phát trên cả nước nhất.
Cơ quan quản lý Hải dương và Khí quyển Mỹ (NOAA) sử dụng sóng radio tần số thấp có lợi thế là khả năng di chuyển khoảng cách xa. Họ phát sóng ở tần số giữa 162.400 và 162.550 MHz. Điểm cộng của điều này là sóng sẽ truyền xa hơn – điểm trừ là các radio thông thường không thể bắt được tín hiệu của Đài Khí tượng. Nếu bạn đang nằm trong vùng nguy hiểm, bạn sẽ cần một chiếc Radio thời tiết của NOAA. Đài sẽ phát “cảnh báo, tình hình, dự báo và các thông tin về mối nguy hiểm” suốt 24/7. Tương tự như vậy, Đài Khí tượng Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam có thể truyền thông tin cho mọi người dân trên cả nước.
Hãy nhìn vào cách Đài khí tượng quốc gia Mỹ hoạt động, bạn sẽ hiểu tại sao radio là công nghệ tối ưu trong để thông báo trường hợp khẩn cấp. Họ sử dụng 1025 trạm phát sóng trên toàn hệ thống để hoạt động trên 50 bang, vùng biển ven bờ, Puerto Rico, đảo Virgin và lãnh thổ của Mỹ tại Thái Bình Dương. Nghe thì có vẻ rất nhiều nhưng thực ra chỉ bé tí tẹo so với hàng ngàn tháp thu phát sóng ở Mỹ – khoảng 100 nghìn đến 215 nghìn, tùy theo nguồn và phương pháp tính một trạm. Thậm chí như thế vẫn chưa đảm bảo dịch vụ đáng tin cậy cho tất cả mọi người.
Thêm vào đó, cả công nghệ radio và di động, luôn có giới hạn băng thông. Các tháp di động được hàng triệu người sử dụng để tải hình ảnh, nhắn tin, gọi điện, thường thì chỉ trên 1 tháp duy nhất. Chính điều này đã khiến hệ thống điện thoại di động không đáng tin cậy. Trong khi đó, không ai thực sự phát tín hiệu trên tần số radio để mà gây nghẽn tín hiệu cả.
Vì vậy, nếu bạn muốn một thứ nào đó truyền đến thật nhiều người và hoạt động một cách đáng tin cậy ngay cả trong tình huống xấu nhất, radio chính là lựa chọn tối ưu nhất cho bạn.