Theo chuyên gia xây dựng, gạch bong tróc là hiện tượng thường gặp ở nhiều công trình dân dụng, có vị trí bị bong gạch dù nhiều lần gỡ ra lát lại.
Thông thường, gạch bong có thể do lát không kỹ, trộn vữa không đạt cường độ, gạch không bám dính. Người ta đi lại nhiều, qua thời gian gây bong tróc gạch.
Ngoài ra, nếu nhà gần đường, xe trọng tải lớn chạy có thể làm rung nhà, rung sàn dẫn đến bong gạch. Yếu tố nhiệt độ cũng ảnh hưởng nhưng không nhiều.
Sàn gạch bị bong tróc.
Cũng có thể do sàn thiết kế không đảm bảo, sàn võng xuống, gây nứt gạch ở mặt dưới hoặc mặt trên. Tùy chỗ bong gạch mà do những nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn tải trọng của tường nặng có thể gây võng ở những vị trí gần đó.
Trong khi đó ông Nguyễn Hoan – đại diện một công ty chuyên tư vấn thiết kế xây dựng ở quận 12, TP.HCM, cho biết: “Rất khó để chênh lệch nhiệt độ làm bong gạch, thậm chí có nấu ăn trên gạch cũng khó bong.
Thực tế ở các tòa nhà, siêu thị lớn đều gắn hệ thống máy lạnh, nhiệt độ chênh lệch cực lớn, nhưng làm gì có hiện tượng bong gạch.
Qua kinh nghiệm, tôi cho rằng gạch bong lên hay lún xuống là do kết cấu sàn không đảm bảo về chịu lực, kết cấu nhà không ổn định dẫn đến móng nhà không chịu được dòng nước, như một chiếc bánh tráng nều có chỗ thấm nước sẽ bị võng xuống, tòa nhà bị rung, đó là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến bong gạch.
Ngoài ra còn có khả năng khác là động đất, khi đó, những tầng trên cao sẽ rung và lắc nhiều nhất. Tuy nhiên, để kiểm tra xem sàn có bị võng hay không, đội ngũ kỹ thuật phải đo quét bằng laser mới kết luận được”.
Một số ý kiến khác từ các kỹ sư cho rằng lát gạch sát quá có thể là nguyên nhân gây bong gạch, khi lát khoảng 5m nên chừa một khe co giãn; còn các xê dịch ít có thể do rộp gạch, vữa trét không kỹ…