Tại sao thế giới nóng kỷ lục?

Trái đất đang ở sát vị trí xa mặt trời nhất trong năm 2010, song nhiệt độ tại nhiều thành phố trên khắp thế giới đang đạt tới mức cao kỷ lục trong vài thập kỷ.

Ảnh minh họa: jootix.com.

National Geographic khẳng định khoảng cách giữa mặt trời và địa cầu không quyết định nhiệt độ bề mặt hành tinh chúng ta. Vì thế nó không liên quan tới những đợt nắng nóng, bão tuyết và những hiện tượng thời tiết khác.

Vào ngày 6/7, trái đất tới một vị trí cách mặt trời khoảng 152 triệu km. Đó là điểm xa mặt trời nhất của nó. Khi ở điểm gần mặt trời nhất, khoảng cách giữa hai thiên thể xấp xỉ 147 triệu km.

Khi trái đất xa mặt trời nhất, lượng ánh sáng mà nó tiếp nhận chỉ ít hơn khoảng 7% so với khi gần nhất, Ricky Patterson, một nhà thiên văn từ Đại học Virginia, Mỹ.

Vậy nếu khoảng cách mặt trời – trái đất không gây nên đợt nắng nóng khủng khiếp hiện nay thì yếu tố nào là thủ phạm?

David Robinson, một nhà khí tượng học của Đại học Rutgers, Mỹ cho biết, nắng nóng kéo dài xuất hiện bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố: độ ẩm cực thấp ở mặt đất, ít mây trên trời và những vùng áp suất cao kéo dài trong khí quyển.

Những vùng áp suất cao trải dài dài có thể tồn tại khá lâu ở một khu vực, khiến không khí nóng lên và đẩy những đám mây sang khu vực khác. Lượng mây càng giảm thì ánh sáng mặt trời rọi xuống đất càng tăng. Nếu mặt đất đã nóng và khô sẵn thì lượng nhiệt bổ sung càng làm cho nhiệt độ bề mặt tăng lên. Những đợt nắng nóng chấm dứt khi các vùng khí áp cao suy yếu và hệ thống thời tiết khác đẩy chúng đi.

Robinson nói thêm rằng con người không nên đổ lỗi cho một cá nhân cụ thể khi tình trạng nắng nóng xảy ra.

“Thủ phạm là các hệ thống thời tiết, chứ không phải khí hậu. Một đợt nắng nóng, thậm chí cả mùa hè khắc nghiệt, không phải là kết quả do con người gây nên”, ông giải thích.

 

Theo VnExpress