Tái tạo bản thu âm đầu tiên trên thế giới giấu trong búp bê Thomas Edison

0
149
Tái tạo bản thu âm đầu tiên trên thế giới giấu trong búp bê Thomas Edison

Các nhà khoa học đã tìm ra cách nghe bản ghi âm trong máy quay đĩa giấu trong người búp bê “biết nói” do Thomas Edison chế tạo bằng công nghệ mới, dùng kính hiển vi chụp lại các rãnh trong bản thu và tái tạo lại âm thanh trên máy tính điện tử.

Tái tạo thành công bản thu âm đầu tiên trên thế giới

Tái tạo bản thu âm đầu tiên trên thế giới giấu trong búp bê Thomas Edison
Một con búp bê “biết nói” trong bộ sưu tập của ông bà Rolfs. (Ảnh: Science 20)

Robin và Joan Rolfs sở hữu hai con búp bê hiếm, do công ty đĩa hát của Thomas Edison sản xuất, nhưng họ không bật những bản thu âm trong máy quay đĩa giấu trong người chúng.

Năm 1890, Edison nghĩ ra cách thu nhỏ máy nghe đĩa và đặt trong người búp bê. Sau lưng búp bê có một tay cầm, muốn nghe nhạc, người ta phải quay chúng. Phát minh này là một thất bại, trẻ em cho rằng món đồ chơi khó điều khiển, và phát ra âm thanh rùng rợn.

Ông bà Rolfs biết rằng nếu mạo hiểm quay tay cầm, rất có thể, sẽ làm hỏng hoặc phá hủy các rãnh trong lòng máy nghe đĩa, gồm nhiều hình trụ tròn. Thế nên, nhiều năm qua, không ai nghe được âm thanh bí ẩn trong lòng con búp bê.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu về âm thanh nói rằng, bản thu giấu trong người búp bê có giá trị lịch sử. Đây là những bản ghi âm giải trí đầu tiên trên thế giới, còn những thiếu nữ được thuê để xướng âm là những nghệ sĩ phòng thu đầu tiên trên thế giới.

Do đó, nhiều năm nay, gia đình Rolfs đã nỗ lực tìm hiểu cách để nghe bản ghi âm. Các chuyên gia một phòng thí nghiệm của chính phủ Mỹ đã nghĩ ra cách nghe được những bản ghi âm quý giá, mà không cần chạm vào chúng.

Tái tạo bản thu âm đầu tiên trên thế giới giấu trong búp bê Thomas Edison
Máy nghe đĩa thu nhỏ giấu trong người búp bê. (Ảnh: Science 20)

Kỹ thuật này dùng một kính hiển vi, tái tạo hình ảnh chi tiết của các rãnh trên máy quay đĩa. Sau đó, một máy tính với độ chính xác cao sẽ mô phỏng lại âm thanh bằng cách tạo ra sơ đồ âm thanh thông qua một cây kim xuyên qua những rãnh đó.

Năm 2014, lần đầu tiên, công nghệ này được giới thiệu trước công chúng.

Chúng tôi rất e ngại sẽ làm hỏng những bản thu âm này,” Jerry Fabris, người phụ trách bảo tàng Thomas Edison, ở West Orange, bang New Jersey cho biết.

Công nghệ này được gọi là Irene, bao gồm nhiều công đoạn phức tạp như thu thập hình ảnh, tái tạo âm thanh và xóa bỏ tiếng ồn. Irene được nhà vật lý Carl Haber và kỹ sư Earrl Cornell ở phòng thí nghiệm quốc gia Lawrency Berkeley phát triển. Nó có thể chiết xuất âm thanh từ các rãnh và đĩa hát, đồng thời, có thể tái tạo lại âm thanh từ những bản thu bị hỏng nặng, không thể nghe được.

Giờ đây, chúng ta đang nghe lại những âm thanh của lịch sử mà tôi chưa từng nghĩ sẽ được nghe,” ông Fabris nói.

Công nghệ Irene sử dụng một kính hiển vi gắn trên thanh trục sẽ chụp lại hàng nghìn bức ảnh có độ phân giải cao về chi tiết các đường rãnh. Sau đó, ảnh được ghép lại, tạo ra một bản đồ địa hình bề mặt rãnh hình trụ với độ cao thấp khác nhau, có chiều dày nhỏ bằng 1/500 sợi tóc. Cao độ, âm lượng, âm sắc cũng như tốc độ bản nhạc, đều được mã hóa trên bề mặt này.

Bản mã hóa sóng âm thanh được số hóa trên máy tính, rồi được lọc tiếng ồn, và nhịp điệu phát ra rõ ràng hơn. Bản thu ghi được từ một trong hai con búp bê của ông Rolfs là “There was a little girl” (Bé gái), có độ dài khoảng 20 giây.

“Khoảnh khắc đó thật tuyệt vời,” ông Rolfs vui mừng nói.

Tháng trước, bảo tàng Thomas Edison đã công bố ba bản thu âm bên trong búp bê của Edison trên mạng, trong đó có bản thu từ hai con búp bê của gia đình Rolfs. “Có lẽ còn nhiều bản thu nữa, chúng tôi hy vọng sẽ số hóa được chúng,” ông Fabris nói. “Giờ đây, chúng tôi có công nghệ để nghe các bản thu âm mà không gây hại đến chúng.”

Bạn có thể nghe bản thu “There was a little girl” trong một con búp bê của ông bà Rolfs tại đây.

 

Theo VnExpress