Tái tạo thành công tế bào võng mạc

Các nhà khoa học Mỹ vừa tái tạo được tế bào võng mạc ở động vật có vú. Những thử nghiệm trên chuột có thể mở ra hướng đi mới cho việc điều trị các bệnh của mắt người. 

Tế bào Müller glia ở võng mạc. Ảnh: sciencedaily.com.

Nằm ở phía sau mắt, võng mạc có nhiệm vụ chuyển đổi ánh sáng thành các xung thần kinh tới não.

Nhiều nghiên cứu trước đây chứng minh rằng Müller glia, một loại tế bào võng mạc, có thể phát triển trong ống nghiệm. “Loại tế bào này tồn tại trong võng mạc của tất cả động vật có xương sống, kể cả con người”, Tom Reh, một chuyên gia thuộc Đại học Washington (Mỹ), phát biểu.

Chim cũng có khả năng tái tạo tế bào võng mạc giống như nhiều động vật máu nóng có vú khác. Trong khi đó cá thuộc nhóm động vật máu lạnh có thể tạo ra tất cả các loại tế bào võng mạc. Tuy nhiên, tái tạo loại tế bào này ở chuột không phải là việc dễ dàng.

Nhóm nghiên cứu tiêm một chất có tác dụng tiêu diệt ganglion (tế bào thần kinh phân bố gần bề mặt của võng mạc) và tế bào amacrine vào mắt chuột. Sau đó họ tiêm thêm một số hóa chất, trong đó có các hooc môn tăng trưởng và insulin để kích thích quá trình phân chia của tế bào Müller glia trong mắt chuột.

Do tế bào ganglion và amacrine đã bị tiêu diệt nên tế bào Müller glia có thêm khoảng trống để sinh sôi. Một số tế bào chết trong vài tuần sau khi tách ra, nhưng một số biến thành tế bào amacrine và tồn tại ít nhất 30 ngày.

Qua kết quả này, Tom khẳng định những nghiên cứu tiếp theo có thể giúp các nhà khoa học tìm ra một số liệu pháp chữa trị bệnh mù và giảm thị lực mắt của người do tình trạng tổn thương võng mạc, chẳng hạn như thoái hóa điểm vàng.

 

Theo VnExpress (Livescience)