Tối nay sao Mộc, sao Kim và sao Thủy sẽ tạo thành một tam giác trên bầu trời đêm, một cảnh tượng mà con người phải chờ tới tận năm 2026 để chiêm ngưỡng lần nữa.
Kim Tinh và Mộc Tinh là hai hành tinh sáng nhất trong hệ Mặt Trời. Chúng đã tiến lại gần nhau trên bầu trời đêm trong vài tuần qua. Giờ đây sao Thủy, hành tinh có độ sáng thấp hơn nhiều, đang “nhập hội”. Nó nằm bên phải và phía dưới sao Kim. Từ tối 24/5, những người yêu thiên văn có thể hướng về phía tây để quan sát “tam giác hành tinh” bằng mắt thường. Hai ngày sau, chúng sẽ xích lại gần nhau hơn nữa.
Hình minh họa vị trí của sao Mộc (Jupiter), sao Kim (Venus) và sao Thủy (Mercury) ở phía tây của bầu trời vào đêm 26/5. (Ảnh: National Geographic)
“Đây là một cơ hội tuyệt vời để con người quan sát ba hành tinh cùng một lúc. Thời gian lý tưởng nhất để quan sát cảnh tượng ấy là khoảng 30 tới 45 phút sau khi mặt trời lặn”, Alan MacRobert, một biên tập viên cấp cao của tạp chí Sky & Telescope, phát biểu.
Vào tối 27/5, chúng ta sẽ thấy sao Mộc và sao Kim nằm ngang hàng với nhau trên bầu trời. Sau đó sao Mộc sẽ bắt đầu di chuyển xuống phía dưới rồi biến khỏi tầm mắt vào đầu tháng 6. Ngược lại, sao Thủy sẽ di chuyển lên phía trên sao Kim tới tận ngày 7/6 trước khi “rơi” về phía đường chân trời rồi biến mất. Sao Kim tiếp tục phát sáng mạnh trong thời gian còn lại của năm.
Ba hành tinh: sao Mộc (lớn nhất, bên phải), sao Kim (giữa) và sao Thủy (bên trái). (Ảnh: National Geographic)
Do sao Thủy là hành tinh gần mặt trời nhất nên con người chỉ có thể thấy nó một giờ trước khi mặt trời mọc hoặc sau khi mặt trời lặn. Trong điều kiện bình thường, xác định vị trí của sao Thủy là việc khó. Song trong những ngày tới, việc nó hội tụ với sao Mộc và sao Kim giúp chúng ta xác định vị trí của nó dễ dàng hơn.
Mặc dù ba hành tinh khá gần nhau trên bầu trời đêm, trên thực tế chúng rất xa nhau trong vũ trụ. Chẳng hạn, vào tuần trước, sao Thủy cách trái đất khoảng 169 triệu km, còn sao Kim và sao Mộc cách chúng ta lần lượt 241 triệu km và 909 triệu km, tạp chí Sky & Telescope khẳng định.
Theo VNE