Tấm lụa vàng óng dệt từ tơ của một triệu con nhện trên đảo Madagascar là kiệt tác độc nhất vô nhị trên thế giới.
Tấm vải lụa lớn nhất và hiếm nhất thế giới sản xuất hoàn toàn từ tơ của loài nhện thợ dệt quả cầu vàng trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ tại New York năm 2009, theo Ancient Origins. Đây được cho là tấm vải lớn duy nhất dệt từ tơ nhện tự nhiên tồn tại trên thế giới ngày nay.
Các nghệ nhân dệt và thêu khăn choàng lụa tơ nhện. (Video: Vimeo).
Tấm vải kiệt tác này là một dự án của Simon Peers, nhà sử gia nghệ thuật người Anh chuyên nghiên cứu vải và Nicholas Godley, thương nhân người Mỹ. Dự án mất 5 năm để hoàn thành với tri phí 395.820 USD. Kết quả từ dự án là một tấm vải có kích thước 3,4 x 1,2 mét.
Sản phẩm của Peers và Godley là một chiếc khăn choàng thêu kim tuyến màu vàng. Cảm hứng để tấm vải ra đời bắt nguồn từ một bản ghi chép của Pháp thế kỷ 19. Bản ghi chép miêu tả cố gắng của cha xứ truyền đạo người Pháp tên Paul Camboué trong việc khai thác và sản xuất vải từ tơ nhện. Cha Camboué được xem như người đầu tiên đạt thành công ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, tơ nhện đã được thu hoạch ở thời cổ đại cho nhiều mục đích khác nhau. Ví dụ, người Hy Lạp cổ đại sử dụng tơ nhện để cầm máu ở các vết thương.
Khi truyền giáo ở Madagascar, cha Camboué tận dụng một loài nhện có sẵn trên đảo để sản xuất tơ nhện. Ông hợp tác với một thương nhân tên M. Nogué mở ra ngành dệt vải tơ nhện. Sản phẩm của họ thu hút nhiều sự chú ý lúc đương thời và mang đến niềm cảm hứng để Peers và Gogley tái dựng lại công nghệ khai thác tơ sau một thế kỷ.
Peers chế tạo lại bản sao của cỗ máy khai thác tơ do Nogué phát minh. Cỗ máy nhỏ được điều khiển bằng tay, có thể rút tơ của 24 con nhện cùng lúc mà không làm đau chúng. Loài nhện được cặp đôi sử dụng để sản xuất tấm vải là nhện thợ dệt quả cầu vàng chân đỏ (Nephila inaurata), sinh vật bản xứ ở khu vực phía đông và đông nam châu Phi, cũng như một số hòn đảo phía tây Ấn Độ Dương, bao gồm Madagascar. Chỉ có nhện cái thuộc loài này có khả năng nhả tơ đan lưới. Những chiếc lưới của chúng sáng lên dưới ánh Mặt Trời nhằm thu hút con mồi hoặc để ngụy trang.
Hình thêu tinh xảo trên bề mặt khăn choàng lụa. (Ảnh: Wikipedia).
Peers và Godley phải bắt tới một triệu con nhện cái để tạo ra đủ vải may khăn choàng. Họ gặp may vì đây là một loài nhện phổ biến và chúng phân bố rất nhiều trên đảo. Những con nhện được thả về tự nhiên sau khi hết tơ. Nhưng chỉ sau một tuần, chúng lại có thể sản sinh tơ. Loài nhện này chỉ nhả tơ vào mùa mưa, do đó nhóm của Peers chỉ bắt nhện trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 10.
Một con nhện thợ dệt quả cầu vàng cái. (Ảnh: Wikipedia).
Chiếc khăn choàng màu vàng ra đời sau 4 năm, chứng minh tơ nhện thực sự có thể dùng để sản xuất vải. Nhưng sản xuất hàng loạt vải tơ nhện không phải điều dễ dàng. Khi ở cùng nhau, những con nhện có xu hướng ăn thịt đồng loại.
Tơ nhện có tính chất đặc biệt bền chắc nhưng lại rất nhẹ và đàn hồi. Do đó, nhiều nhà nghiên cứu đã bỏ công sức tìm cách khai thác loại tơ này bằng phương pháp khác. Một phương pháp trong số đó là “nhúng” gene nhện vào các tổ chức sinh vật khác như vi khuẩn, sau đó thu hoạch tơ từ chúng. Nhưng các phương pháp chỉ gặt hái thành công nhỏ.