Nhiều bậc cha mẹ có thể bị khủng hoảng trầm trọng khi chứng kiến cách cư xử của con. Đó là khi con la hét ầm ĩ ở những nơi công cộng, lăn xuống sàn than khóc và dường như không thể kiểm soát được hành vi. Thực tế, điều đó là bình thường đối với 1 đứa trẻ mới biết đi. Nhưng khi đứa trẻ đến tuổi học mẫu giáo và vẫn không thể kiểm soát cảm xúc của mình thì đó thực sự thành 1 vấn đề đáng lo lắng. Đó là lý do tại sao bố mẹ nên quan tâm tới chỉ số EQ của trẻ hơn so với chỉ số IQ.
Chỉ số EQ là gì? EQ – Emotional Intelligence – Trí thông minh cảm xúc – là quá trình trẻ em học cách nhận biết, hiểu và kiểm soát cảm xúc của chúng. Nhiều thập kỷ nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em nếu học được các kỹ năng EQ sẽ có nhiều khả năng làm tốt trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống như xã hội, học vấn, thể chất, tâm lý,…
Các kỹ năng EQ nên được dạy cho trẻ càng sớm càng tốt, ngay từ khi trẻ học mẫu giáo. Nhiều giáo viên đánh giá những kỹ năng này quan trọng hơn khả năng đọc hoặc viết của trẻ. Trong thực tế, khả năng nhận biết cảm xúc là 1 yếu tố dự báo tốt về sự thành công của trẻ hơn là nền tảng gia đình và kinh tế. Tuy nhiên, các giáo viên mẫu giáo cho hay hơn 30% trẻ em bắt đầu tham gia vào lớp học đều chưa được chuẩn bị về mặt cảm xúc, thiếu các kỹ năng EQ cần thiết cho đời sống học đường.
Tiến sĩ Marc Brackett, Giám đốc Trung tâm Trí thông minh cảm xúc của Đại học Yale (Mỹ) cũng là người sáng tạo các phương pháp dạy trẻ em các thành tố của trí thông minh cảm xúc: Nhận biết, thấu hiểu, thể hiện và điều tiết cảm xúc.
Theo Brackett, “nghiên cứu cho thấy rằng thiếu các kỹ năng EQ có liên quan đến bệnh trầm cảm, lo lắng, kết quả học tập kém, gây hấn, lạm dụng ma túy, phá hoại các mối quan hệ và khiến sức khỏe thể chất cũng như tâm lý kém đi”.
Ông tiếp tục nói: “Những trẻ em được dạy các kỹ năng này sẽ có điểm số cao hơn. Chúng ít có thái độ hung hăng và ít bắt nạt người khác. Chúng cũng có thể ít sử dụng ma túy và rượu, ít lo lắng, chán nản, và hiếu động”.
Những đứa trẻ hiểu và kiểm soát tốt cảm xúc sẽ dễ dàng có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn. Bằng cách dạy trẻ em cách quản lý cảm xúc của chúng, chúng ta cũng đang dạy cho chúng cách kiểm soát bộ não của mình.
Vài năm trước, 1 nhóm nghiên cứu đã thực hiện 1 chương trình về sức khỏe trẻ em có tên “First Aid for Feelings”. Họ đã dạy cho các bệnh nhân nhi khoa cách quản lý cảm xúc với mục tiêu đạt được kết quả sức khỏe tốt hơn. Sau khi thực hiện, khảo sát cho thấy những đứa trẻ biết kiểm soát cảm xúc đã ít phải nhập viện hơn và không còn phải dùng nhiều thuốc giảm đau nữa. Một khi những bệnh nhân nhỏ tuổi học được cách đối phó cảm xúc, các nhân viên y tế có thể kiểm soát được và giúp chúng cảm thấy thoải mái hơn, góp phần chữa bệnh cho chúng hiệu quả hơn.
Tất cả các nghiên cứu này cho thấy việc giảng dạy các kỹ năng EQ trong thời thơ ấu cho trẻ là rất cần thiết. Trẻ em cần phải được chuẩn bị tâm lý để đối phó với những cơ hội và thách thức mà chúng sẽ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Chúng cần phải linh hoạt và có khả năng đối phó trong 1 thế giới luôn thay đổi. Chúng ta không thể mong đợi đưa con em đến trường mà không có khả năng giải thích về thế giới xung quanh.
Trẻ nhỏ có thể tìm hiểu các kỹ năng EQ đơn giản từ việc bạn dạy trẻ 1 vốn từ vựng diễn tả những cảm xúc mà chúng đang trải qua. Khuyến khích chúng thể hiện cảm xúc của mình khi đang trò chuyện và vui chơi, bạn cũng có thể đọc truyện cho trẻ nghe và hỏi về cảm nhận của chúng về các nhân vật. Đồng thời, hãy tạo 1 môi trường an toàn không phán xét để trẻ em có thể chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Bản thân cha mẹ cũng phải là 1 hình mẫu để con noi theo. Bạn hãy thể hiện mình là người biết lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ với người khác. Một đứa trẻ có trí thông minh cảm xúc sẽ dễ dàng chứng tỏ sự đồng cảm, tôn trọng, lòng khoan dung và lòng tốt.
Trong khi chỉ số IQ đã được xác định khi trẻ vừa sinh ra, chỉ số EQ lại có thể phát triển trong suốt cuộc đời. Cơ hội tốt nhất để hình thành trí thông minh cảm xúc của con em chúng ta là trong những năm đầu đời và mái nhà chính là lớp học đầu tiên của chúng để học hỏi về tình cảm.
Thụy Du – (Dịch theo SK)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.