Tăng vai trò của IAEA về đảm bảo an toàn hạt nhân

Ngày 23/8, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano khẳng định vai trò của IAEA trong đảm bảo an toàn hạt nhân toàn cầu phải được tăng cường mặc dù về cơ bản đảm bảo an toàn hạt nhân thuộc về trách nhiệm của các quốc gia sử dụng năng lượng hạt nhân.

Ông Amano nhấn mạnh IAEA đang tìm các biện pháp tăng cường các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân toàn cầu nhằm đảm bảo các nhà máy điện hạt nhân chống đỡ hiệu quả các sự kiện cực đoan như động đất, sóng thần…. để thảm họa hạt nhân kiểu như Fukushima (Nhật Bản) mới đây không tái diễn.

Tuy nhiên, ông Amano lưu ý rằng chi phí thực hiện các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân mới cần hợp lý, hiệu quả và nằm trong khả năng tài chính của các quốc gia.

Tổng Giám đốc IAEA cho rằng mặc dù nhiều nước đang xem xét lại các lựa chọn phát triển năng lượng hạt nhân nhưng biến đổi khí hậu và nhu cầu cấp thiết về năng lượng cho phát triển kinh tế khiến năng lượng hạt nhân vẫn hấp dẫn đối với nhiều nước.

Kế hoạch hành động sẽ được Hội nghị toàn thể 151 nước thành viên của IAEA thông qua trong tháng 8 này, đề xuất một loạt biện pháp trong 10 lĩnh vực hoạt động và an toàn của các lò phản ứng để tăng cường an toàn hạt nhân.

IAEA chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chế an toàn hạt nhân mới đối với các lò phản ứng hạt nhân trên toàn cầu.

Theo kế hoạch hành động này, 10% trong tổng số 440 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động trên thế giới sẽ được giám sát theo các tiêu chuẩn an toàn mới trong 3 năm tới.

Theo số liệu của IAEA, mặc dù Đức đã quyết định đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân trên đất Đức vào năm 2022 và Italy đã thông qua trưng cầu dân ý cấm phát triển năng lượng hạt nhân trong nhiều thập kỷ sắp tới, hiện vẫn có 29 nước đang sử dụng điện hạt nhân nhưng số nước phát triển loại năng lượng này sẽ tăng thêm 25 nước nữa vào năm 2030.

 

Theo Vietnam+