Thế nào là táo bón? Những dấu hiệu cảnh báo
Đây cũng là một câu hỏi nhiều mẹ băn khoăn,
vì không biết liệu bé chậm đi ngoài hơn 2 -3 ngày đã gọi là táo bón hay chưa?
(Ảnh minh họa: Wiki)
Theo Hiệp hội Gan và dinh dưỡng, tiêu hóa Bắc Mỹ (NASPGHAN), thì táo bón là “Việc chậm đi ngoài hoặc đi ngoài khó khăn kéo dài trên 2 tuần”. Còn theo Tổ chức Thuật ngữ về táo bón ở trẻ em Paris (PACCT) thì táo bón là “ Việc đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần, trong đó có những lần đi ngoài với khối lượng nhiều không kiểm soát ít nhất 1 lần/tuần, và mất sức để rặn (đau khi đi ngoài) trong thời gian 8 tuần”.
Bệnh viện Nhi TƯ thì đưa ra các dấu hiệu về táo bón ở trẻ sơ sinh như sau “Ở trẻ nhỏ bú mẹ nếu trẻ đi cầu dưới 2 lần trong một ngày hoặc trẻ nuôi bằng sữa công thức và ăn dặm đi cầu dưới 3 lần trong một tuần, phân rắn, khi đi cầu trẻ phải rặn, là nên nghĩ ngay đến việc trẻ bị táo bón”.
Như vậy có thể thấy là ngay cả cách nhận biết thế nào là táo bón cũng chưa được thống nhất, do táo bón phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có hoạt động của hệ tiêu hóa.
Tuy nhiên, những dấu hiệu chung nhất đó là:
– Số lần đi ngoài ít hơn bình thường.
– Mất sức để rặn khi đi ngoài.
Tóm lại, để biết con có bị táo bón không thì mẹ cần biết lứa tuổi của con đi ngoài bao nhiêu lần/ngày là bình thường, số lần đi ngoài thông thường của con để đối chiếu với các dấu hiệu. Từ đó mới có thể bước đầu khẳng định bé có bị táo bón hay là không.
Bàng 1: Số lần đi ngoài bình thường của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Độ tuổi | Số lần đi ngoài/tuần | Số lần đi ngoài/ngày |
0 – 3 tháng: bú mẹ | 5 – 40 | 2.9 |
0 – 3 tháng: bú bình | 5 – 28 | 2.0 |
6 – 12 tháng | 5 – 28 | 1,8 |
1 – 3 tuổi | 4 -21 | 1,4 |
> 3 tuổi | 3 – 14 | 1 |
* Tài liệu tham khảo: Fontana M, Bianchi C, Cataldo F, Conti Nibali S, Cucchiara S, Gobio Casali L, Bowel frequency in healthy children
Nguyên nhân nào khiến bé bị táo bón?
Thông thường, táo bón thường do các nguyên nhân cơ học liên quan tới hoạt động của hệ tiêu hóa. Các nguyên nhân sau được nhiều mẹ và bác sĩ đồng ý là những nguyên nhân phổ biến:
1.Do bé bú sữa công thức: Các bé bú mẹ ít khi bị táo bón, do tỷ lệ đạm và chất béo trong sữa mẹ là hài hòa và tối ưu cho tiêu hóa, giúp phân của bé mềm và dễ thải ra ngoài thậm chí ngay cả trong trường hợp lâu ngày bé mới đi ngoài. Sử dụng sữa công thức, vì tỷ lệ các chất chưa hài hòa theo khả năng của cơ thể bé gây ra hiện tượng táo bón (chứ không phải thừa sắt trong sữa công thức là nguyên nhân như nhiều mẹ nghe đồn đâu nhé).
2. Do bé bắt đầu ăn dặm: Việc bé có triệu chứng táo bón nhẹ trong những ngày mới bắt đầu ăn dặm được coi là bình thường, do thức ăn của bé trong giai đoạn này chủ yếu là cháo mịn nên sẽ ít chất xơ.
3. Do bé uống ít nước (đối với bé từ 6 tháng tuổi trở lên): Khi cơ thể bé thiếu nước, thì nó sẽ lấy nước từ bất kỳ nguồn nào nhằm đáp ứng nhu cầu, thậm chí kể cả lượng nước còn thừa ở chất thải ở ruột già sau quá trình tiêu hóa. Điều này sẽ khiến phân của bé trở nên cứng và khô và chắc chắn sẽ gây ra tình trạng khó khăn khi đi ngoài.
4. Do tình trạng bệnh lý tiềm ẩn: Táo bón cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn nào đó trong cơ thể bé. Nếu như bé liên tục gặp tình trạng táo bón nặng: phân khô cứng, đi ngoài chảy máu, khó khăn khi rặn thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Táo bón là dấu hiệu thường gặp ở trẻ tuy nhiên nếu kéo dài sẽ gây hậu quả xấu tới sức khỏe của bé
(Ảnh minh họa: Wiki)
Bên cạnh đó, táo bón, rối loạn tiêu hóa cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng bệnh lý nào đó ở trẻ. Bảng dưới đây tổng hợp một số dấu hiệu gây nên táo bón báo hiệu tình trạng bệnh lý tiềm ẩn:
Bảng 2: Các dấu hiệu cảnh báo về bệnh lý ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ qua tiêu hóa
Các dấu hiệu | Chẩn đoán nguyên nhân |
Bé thải phân su lâu hơn 48h kể từ khi sinh, phân dạng thỏi đặc, chậm tăng trưởng, sốt, tiêu chảy ra máu, nôn ói, cơ hậu môn thắt chặt, trực tràng rỗng và sờ thấy phân trữ trong ổ bụng | Bệnh Hirschsprung; là một loại bệnh bẩm sinh ở trẻ sơ sinh, khi nhu động ruột kém co bóp do thiếu tế bào thần kinh. |
Trướng bụng, nôn ói, có hiện tượng tắc ruột | Bệnh tắc nghẽn Pseudo |
Giảm nhu động ruột, không có hiện tượng co bóp hậu môn, sa ruột hoặc tắc búi ruột | Bất thường tủy sống : dây chằng, u tủy, myelomeningocele |
Dấu hiệu mệt mỏi, không chịu được lạnh, nhịp tim chậm, tăng trưởng kém | Suy tuyến giáp |
Đi tiểu nhiều, uống nhiều nước | Tiểu đường nhạt |
Tiêu chảy, phát ban, không tăng trưởng, sốt, viêm phổi tái phát | Xơ nang |
Tiêu chảy sau khi ăn thực phẩm làm từ lúa mỳ | Dị ứng gluten |
Vị trí hậu môn bất thường | Hẹp hậu môn, tắc hậu môn |
* Tài liệu tham khảo: Felt B, Brown P, Coran A, Kochhar P, Opipari-Arrigan L. Functional constipation and soiling in children. University of Michigan Health System guidelines for clinical care 2003
Cách khắc phục tình trạng táo bón
Vì táo bón thường là nguyên nhân cơ học gây ra, vì vậy để điều trị thường chỉ cần chú ý điều chỉnh thay đổi trong chế độ dinh dưỡng, kết hợp các phương cách vật lý đơn giản để giúp bé đi ngoài dễ dàng hơn. Cụ thể như sau:
1. Sử dụng các biện pháp mát xa đơn giản nhằm tăng nhu động ruột, giúp cơ thể bé co bóp tống chất thải ra ngoài nhanh hơn: Bài mát xa có thể là khuyến khích bé lật, nếu bé đã biết lật. Nếu bé chưa biết bò, có thể vừa mát xa cho con dễ tiêu hóa vừa giúp con nhanh biết bò bằng động tác co duỗi chân như đạp xe. Hoặc đơn giản là dùng 3 ngón tay để đo khoảng rộng từ rốn bé xuống dưới, sau đó dùng chính 3 ngón tay đó ấn nhẹ nhưng dứt khoát cho tới khi cảm thấy phần bụng đó của bé cứng thì bỏ ra. Làm lặp lại trong 3 phút và nên thực hiện sau bữa ăn của bé 40 phút.
Massage là biện pháp tích cực, hiệu quả và ít tác dụng phụ nhất trong việc cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ
(Ảnh minh họa: Rollercoaster)
2. Nếu bé đang bú bình, có thể xem xét việc bổ sung các loại chất xơ hòa tan thêm vào các cữ sữa của bé. Nhiều bé phản ứng táo bón với sữa bột công thức làm từ sữa bò nhưng lại ổn định khi dùng sữa làm từ đạm đậu nành.
3. Nếu bé đã ăn dặm, nên hạn chế những thực phảm (được tin là gây táo bón) như cà rốt hầm, chuối, ngũ cốc. Thay vào đó tăng cường cho bé uống các loại nước quả như nước cam, nước mận để giúp làm mềm phân và giúp bé dễ đi tiêu.
4. Nếu bé đi ngoài phân cứng cần phải thụt, hãy lưu ý cách thụt đúng để không gây tổn thương các nội quan bên trong. Tốt nhất mẹ nên hỏi ý kiến chuyên gia hoặc bác sĩ trước khi thưc hiện việc này.
Honey Bee
(Tổng hợp)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.