Tạo vắc-xin viêm gan B “ăn được” từ trái cà chua

Tạo vắc-xin viêm gan B

Các nhà khoa học thuộc Phòng Công nghệ Gen – Viện Sinh học Nhiệt đới TP.HCM hiện đang tiến hành nghiên cứu vắc-xin ngừa viêm gan B ăn được từ các bộ phận ăn tươi như quả, lá, thân, củ… Trong đó có cây cà chua.

Nước ta là vùng lưu hành cao của bệnh viêm gan do siêu vi B (HBV). Tỷ lệ người mang mầm bệnh vào khoảng 10 – 15% dân số (trên dưới 10 triệu người). Bệnh lây lan theo hướng đa dạng và phức tạp, có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Cách tốt nhất là phòng ngừa và một trong các biện pháp phòng ngừa quan trọng là chủng ngừa.

Cà chua cũng có thể trở thành vắc-xin phòng ngừa viêm gan B… (Ảnh: Victoriananursery)

Theo các nhà khoa học thuộc Phòng Công nghệ Gen – Viện Sinh học Nhiệt đới, một thành phần quan trọng của HBV là protein HBsAg giúp cho HBV bám dính vào mảng tế bào và sau đó đi vào tế bào và huyết tương người bệnh. Huyết tương có chứa HBsAg là nguồn vật liệu quan trọng để sản xuất thuốc chủng ngừa có nguồn gốc huyết tương.

Ngoài ra trên thế giới nhiều công bố khoa học đã dùng công nghệ chuyển gien đã mã hóa protein HBsAg vào nhân và lục lạp tế bào, vào một số cây trồng,… Sau đó, các nhà khoa học đã chiết tách phần protein tinh khiết đó và nghiên cứu khả năng đáp ứng miễn dịch ở cơ thể động vật bằng cách tiêm chích protein tinh khiết hoặc ăn trực tiếp sản phẩm cây chuyển gien.

Qua các kết quả trên, nhóm nghiên cứu của Phòng Công nghệ Gen – Viện Sinh học Nhiệt đới nhận thấy, protein kháng nguyên HBsAg sử dụng qua đường tiêu hóa có khả năng tạo miễn dịch tốt. Điều này mở ra một triển vọng nghiên cứu chuyển nạp gien này vào các cây trồng có bộ phận ăn tươi như quả, lá, thân, củ…

Bằng phương pháp chuyển gien bằng vi khuẩn Agrobacterium tumefaciens, kết quả nghiên cứu của Viện Sinh học Nhiệt đới đã nhận được một số loại cây trong đó có cây cà chua mang gien mã hoá kháng nguyên bề mặt vi-rút viêm gan B.

Theo các nhà nghiên cứu, nghiên cứu này nhằm hướng tới tạo ra “vắc-xin ăn được”.

Hương Cát

 

Theo Vietnamnet