Tập bay lên sao Hoả – Kỳ 1: Hóc búa bài toán “con người”

Để đi đến được hành tinh đỏ, phi hành gia phải chuẩn bị 36 tháng sống cô độc, giam hãm trong một không gian bé xíu. Một thử thách tâm lý kinh khủng mà những thực nghiệm hiện nay trên trái đất đang cố gắng mô phỏng sao cho đúng nhất. Mục đích: tránh cho các phi hành gia khỏi bị “bấn loạn”

Vẫn còn đó một bức màn bao trùm chuyến hành trình lên sao hoả khoảng giữa thế kỷ 21 này, một câu hỏi gai góc và căn cơ nhất: làm sao để các phi hành gia sẵn lòng chấp nhận những thử thách khắc nghiệt nhất trong một chuyến bay dài ngày như thế?

Trong suốt mùa đông Nam cực, trạm nghiên cứu Concordia là một nơi bị cô lập tuyệt đối nhưng rất lý tưởng để mô phỏng các điều kiện bị cách ly, giam hãm trong quá trình huấn luyện cho đội bay lên sao hoả. Tại trạm nghiên cứu hỗn hợp này, mỗi năm có trên dưới 10 con người sống biệt lập trong vòng 9 tháng liền

Thoạt tiên, câu hỏi này có vẻ khiến chúng ta ngạc nhiên vì chắc chắn rằng phi hành đoàn đầu tiên cho chuyến đi sao hoả này sẽ được tuyển lựa rất kỹ lưỡng về mặt thể chất lẫn tinh thần để hoàn thành nhiệm vụ. Có điều là, làm sao có thể bảo đảm được rằng những người đàn ông và phụ nữ kia chịu đựng được về mặt tâm lý một cuộc “dạo chơi” 3 năm có chẵn trong tình trạng “bị nhốt kín” trong một không gian chỉ vỏn vẹn “như một lon đồ hộp” và bay vút về một thế giới vẫn còn đang hoàn toàn bí ẩn đối với họ? Họ sẽ sống và khắc khoải về một “tương lai vô định” chăng? Cho đến thời điểm này, không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra trong bối cảnh đó… Chuyên gia Marc Heppener của cơ quan Không gian châu Âu (ESA) đã phải thốt lên: “Hiện nay, chuyển biến tâm lý của các phi hành gia trong chuyến bay này là một câu hỏi khó giải đáp nhất”. Còn Elisabeth Rosnet thuộc phòng thí nghiệm tâm lý ứng dụng tại Reims (Pháp) thì cụ thể hơn: “Trong tình huống bị stress, con người sẽ có những phản ứng kỳ lạ mà họ không bao giờ làm trong cuộc sống thường ngày”.

Có sự cố đe dọa đến tính mạng, làm sao họ kịp quay về trái đất?

Nếu như trạm ISS bay cách trái đất 400km và mặt trăng cách chúng ta 384.000km, thì tính theo tỷ lệ khoảng cách trong hệ mặt trời, sao hoả cách trái đất trong khoảng từ 56 triệu cho đến 400 triệu kilômét! Từ đó, bác sĩ Antonio Guell thuộc trung tâm Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Pháp (CNES) đã tóm tắt tình hình như sau: “Nếu có sự cố trên ISS, chúng ta có thể quay về trái đất trong vòng vài tiếng, chậm nhất là 2 ngày. Từ mặt trăng thì phải mất 4 hoặc 5 ngày. Nhưng trong trường hợp gặp nạn từ sao hoả, chúng ta phải tính đến 6 tháng để quay ra đến quỹ đạo an toàn của hành tinh đỏ này rồi bứt khỏi lực hấp dẫn của sao hoả, kế đến là 9 tháng để quay về trái đất. Đây mới là vấn đề nan giải về mặt tâm lý và an toàn tính mạng”.

Từ thực tế trên, một giải pháp quan trọng trước mắt mà các chuyên gia huấn luyện thực hiện là chuẩn bị tâm lý thật tốt cho phi hành đoàn trong tương lai bằng cách thiết lập những bối cảnh mà họ gọi là giả lập, tức là các tình huống xấu nhất mà các “du khách hoả tinh” trong tương lai có thể sẽ gặp. Họ đã chọn trạm nghiên cứu Nam cực hỗn hợp Pháp – Ý mang tên Concordia – nơi hoàn toàn không thể tiếp cận được vào mùa đông Nam bán cầu và là một trong những địa điểm bị cô lập nhất trên thế giới – để làm nơi trải nghiệm thực tế về tâm lý cho các phi hành gia.

Họ được “lâm” vào hoàn cảnh: thời gian cô lập kéo dài, mối quan hệ đa văn hoá giữa các cá nhân và một tập thể trên dưới 10 thành viên”.

3 yếu tố chủ yếu khiến tâm lý con người khi bay lên sao hoả bị khủng hoảng

Đầu tiên là tâm trạng cô đơn, bị cách ly, khi không có gia đình, bạn bè, và nhất là không có phương tiện nào để hoá giải hiện trạng đó, khiến một người bỗng dưng bị bứt ra khỏi các thói quen sinh hoạt thường ngày sẽ trở nên mất tự tin vào bản thân mình. Và trong trường hợp xấu nhất, tâm lý khủng hoảng này sẽ trầm trọng lên gấp bội nếu như một người trong hoàn cảnh đó phải chịu một bi kịch cá nhân, ví dụ như khi hay tin một người thân qua đời chẳng hạn. Từ đó, câu hỏi đặt ra là: các phi hành gia bay lên sao hoả sẽ phải được tập luyện ra sao để có thể thích ứng được với một tình huống như vậy, nếu có? Hoặc giả, khi đó “mặt đất” sẽ giấu kín những chuyện buồn với các phi hành gia khi họ đang trên chuyến hành trình lên sao hoả? Vì cho đến thời điểm này, chưa có một quy ước nào về cách giải quyết tình huống này trong chương trình khám phá sao hoả cả.

Kế đến,một hoàn cảnh mà con người tỏ ra rất khó thích ứng là tâm trạng bị giam cầm. Và hơn nữa, phải sống với những sinh hoạt riêng tư bị phơi bày ra trước mắt mọi người, ngày này qua ngày khác. Chuyên gia tâm lý Karine Weiss lý giải: “Trong cuộc sống và sinh hoạt bình thường của chúng ta, ngay cả khi chúng ta phải có những khoảng thời gian làm việc kéo dài, tăng ca chẳng hạn, thì ít ra chúng ta vẫn có được một buổi tối riêng tư để làm một việc gì đó chỉ cho bản thân mình”. Ngay cả khi sống tại trạm Concordia ở Nam cực, các thành viên cũng có những phòng ngủ riêng. Còn sống trong vũ trụ thì, theo lời kể của phi hành gia Jean-Pierre Haigneré, người đã sống 186 ngày trên trạm MIR, “phải biết tự sắp xếp cho mình sao cho có được một khoảng riêng nho nhỏ, dù người khác vẫn phải qua lại nơi đó nhưng không được đụng đến. Khoảng riêng này dùng để suy tư, ngẫm nghĩ và làm các việc riêng ngoài công việc chuyên môn thường ngày trên trạm”.

Yếu tố thứ ba chính là tâm trạng “trống không” kéo dài. Nếu như các phi hành gia trên những chuyến bay ngắn ngày thường đầy ắp công việc phải làm, thì ngược lại, một chuyến bay dài ngày sẽ đồng nghĩa với việc “thiếu việc làm” thường xuyên. Mà điều đó là kinh khủng, bởi một khi chúng ta không có gì để làm thì sẽ đâm nghĩ ngợi lung tung, gây mất cân bằng tâm lý. Mặt khác, một tình huống có thể xảy ra khi một thành viên nào đó không hoàn thành hoặc làm hỏng một nhiệm vụ nào đó, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch chung của đội, khiến cả tập thể bực tức, lời qua tiếng lại, thì tình huống sẽ nghiêm trọng hơn, do thiếu những yếu tố hoá giải về vật chất lẫn con người… 

Sao hoả, một cuộc phiêu lưu vô tiền khoáng hậu

Dù rằng con người đã vượt qua biết bao nhiêu sóng gió đại dương và đã bước đi trên mặt trăng, nhưng sao hoả là một chân trời xa thẳm mà cuộc chinh phục này không thể nào so bì với bất cứ một chuyến thám hiểm nào từ trước đến nay. Trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ, có thể thấy một Apollo đáp xuống mặt trăng vào năm 1969 ở khoảng cách 384.000km từ trái đất. Kế đến, sứ mạng vũ trụ dài nhất là của một người Nga – Valery Polyakov – với 438 ngày trên trạm MIR vào những năm 1994 – 1995, ở độ cao vài trăm kilômét. Trên đất liền, chuyến hải hành của Magellan là lâu nhất. Ông rời Tây Ban Nha vào mùa hè năm 1519. Hai năm sau, ông phát hiện ra eo biển hiện mang tên ông, và ông mất tại Philippines vào tháng 4.1521. Một chuyến du hành trên biển khơi khác vào thế kỷ 20 là chuyến đi vòng quanh trái đất của Bernard Moitessier vào cuối thập niên 1960, đơn thân độc mã, không phương tiện trợ giúp và không có thông tin liên lạc. Nhà hàng hải này đã rời Plymouth ngày 22.8.1968 và đến Tahiti vào ngày 21.6.1969. Còn bay lên sao hoả thì hoàn toàn… khác!

Kỳ 2: Giải bài toán “con người”

 

Theo Tường Nguyễn – SGTT (Science & Vie)