Tập thói quen trò chuyện với mẹ chồng

Tập thói quen trò chuyện với mẹ chồng

Vì những khoảng cách vô hình giữa mẹ chồng và nàng dâu thường có tâm lý ngại trò chuyện với mẹ chồng. Và các cô dâu cũng thường nghĩ rằng, ít nói chuyện với nhau thì sẽ ít va chạm, ít nảy sinh những điều rắc rối. Tuy nhiên, chính điều này lại làm cho khoảng cách giữa mẹ chồng nàng dâu ngày một cách xa hơn.

Sống chung trong một nhà, nhưng ít khi nào chị Lan trò chuyện với mẹ chồng nhiều hơn 10 phút. Mỗi lần trò chuyện chỉ là những câu hỏi ngắn hay những câu thông báo ngắn như “Hôm nay con đi làm về muộn mẹ nhé!”, “Mẹ muốn ăn gì ạ?”.  Chị Lan cho rằng: “Mình và mẹ chồng không hợp nhau nên ít nói chuyện với mẹ chồng để tránh những mâu thuẫn vì mình làm gì cũng khó vừa lòng bà lắm. Mà thực sự, cũng chẳng biết trò chuyện gì nhiều với mẹ chồng.”

Những người có suy nghĩ như chị Lan hiện nay là không ít vì họ không hiểu được tầm quan trọng của việc trò chuyện với mẹ chồng và cũng không biết cách giao tiếp với mẹ chồng một cách khéo léo. Trò chuyện với mẹ chồng là một cách đơn giản nhất để hiểu bà hơn, rút ngắn khoảng cách mẹ chồng nàng dâu cũng như để yêu thương mẹ chồng nhiều hơn. Qua cách trò chuyện, bạn cũng có thể bày tỏ cho mẹ chồng những mong muốn của mình, xua tan những “cạnh tranh” vốn có với mẹ chồng từ đó có thể “hợp tác” với mẹ chồng để vun đắp một gia đình hạnh phúc.

Có những người rất giỏi giao tiếp ở bên ngoài nhưng khi trò chuyện với mẹ chồng thì lại rất lúng túng. Để trò chuyện với mẹ chồng, bạn cần sự chân thành, hiểu tâm lý người cao tuổi, sự quan tâm cũng như sự khéo léo và tinh tế. Bạn cần hình thành thói quen trò chuyện với mẹ chồng mỗi ngày và lâu dần bạn sẽ cảm thấy tự nhiên và cởi mở hơn.

Trò chuyện với mẹ chồng như thế nào?

  • 1

    Hỏi han, quan tâm

    Hãy bắt đầu từ việc hỏi han sức khỏe mẹ chồng hay những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống một cách thường xuyên hơn. Người cao tuổi thường rất thích được con cháu quan tâm đến sức khỏe của mình nên nếu bạn làm tốt điều này thì hẳn mẹ chồng sẽ dần có được thiện cảm với bạn.

  • 2

    Tìm những sở thích chung

    Nhiều người băn khoăn rằng không biết trò chuyện gì với mẹ chồng mặc dù rất muốn trò chuyện với bà. Vậy tại sao bạn không tìm ra những sở thích chung hay những mối quan tâm chung giữa mình với mẹ chồng để “tám” với bà thường xuyên hơn. Ví dụ như sở thích xem phim, hay nấu ăn, cắm hoa, xem cải lương,… chẳng hạn. Khi nói về những điều mình thưc sự quan tâm và yêu thích, bạn sẽ nói chuyện tự nhiên hơn và hứng thú hơn và mẹ chồng bạn cũng bắt đầu thích “tám” với cô con dâu cùng sở thích này rồi đấy!

    Tập thói quen trò chuyện với mẹ chồng

  • 3

    Chia sẻ cuộc sống với mẹ chồng

    Đừng bao giờ cho rằng, mẹ chồng chẳng hiểu gì về cuộc sống của bạn mà bạn nên chia sẻ những điều diễn ra xung quanh mình với mẹ chồng mỗi ngày và lắng nghe bà kể về cuộc sống của bà. Hẳn mẹ chồng bạn sẽ rất hài lòng nếu bạn chăm chú lắng nghe bà kể về thời trẻ của bà hay thích thú những câu chuyện liên quan đến những người thân trong gia đình chồng. Chia sẻ cuộc sống với nhau mỗi ngày cũng là cách để đôi bên hiểu về nhau nhiều hơn, nhưng tất nhiên là bạn cũng không nên “huyên thuyên” quá nhiều điều không cần thiết.

  • 4

    Lắng nghe và học hỏi

    Biết cách trò chuyện với mẹ chồng không chỉ là bạn tìm đủ mọi chuyện “trên trời dưới đất” để nói với mẹ mà đôi khi lắng nghe lại là cách trò chuyện rất tốt. Với người già, con cháu nghe lời mình và học hỏi những kinh nghiệm mình chỉ dạy là điều tuyệt vời. Bởi vậy, bạn nên lắng nghe những điều mẹ chồng chỉ dạy hay đôi khi nhờ mẹ chỉ mình làm một điều gì đó như nấu ăn, cắm hoa… chẳng hạn. Mẹ chồng bạn sẽ cảm thấy được tôn trọng và cảm thấy vui lòng.

  • 5

    Nịnh mẹ chồng

    “Lời nói chẳng mất tiền mua”, vậy sao bạn không tranh thủ “nịnh” mẹ chồng một chút để bà cảm thấy vui hơn. Thỉnh thoảng hãy ca ngợi tài nấu ăn của mẹ chồng hay khen cách sắp xếp nhà cửa gọn gàng. Mẹ chồng nào chẳng vui nếu được con dâu khen nhưng câu kiểu như: “Ở tuổi này rồi mà tóc mẹ vẫn đen và mượt, không biết sau này đến tuổi mẹ, tóc con có được đẹp như vậy không?” Được khen thì ai mà chẳng thích, nhưng bạn nên lưu ý rằng, phải “nịnh” mẹ chồng dựa trên sự chân thành vì phụ nữ cao tuổi rất nhạy cảm và sẽ nhận ra ngay nếu bạn nịnh nọt một cách giả tạo. Lúc đấy thì mọi cố gắng của bạn sẽ phản tác dụng.

  • 6

    Nhắc ông xã  trò chuyện với mẹ

    Nếu chỉ một mình bạn cố gắng trò chuyện với mẹ mà ông xã không quan tâm gì đến việc này thì mẹ chồng bạn cũng sẽ không hài lòng vì dù gì đi nữa con dâu vẫn không thể thay thế được vị trí của con trai. Nắm được điều này, bạn nên nhắc nhở, gợi ý chồng cùng bạn trò chuyện với mẹ nhiều hơn, hỏi han quan tâm đến sức khỏe, tâm trạng của mẹ thường xuyên hơn. Làm như vậy, mẹ chồng sẽ không cảm thấy bị “cướp mất con trai” từ tay con dâu và cuộc sống gia đình bạn sẽ trở nên thoải mái, thân tình hơn.