Cuối cùng thì tàu Discovery cũng sẽ được phóng lên không gian vào ngày 1-7-2006 tới bất chấp những tranh cãi. Đã có không ít lo ngại tai nạn thảm khốc lại xảy ra với những con tàu già nua cũ kỹ này (Discovery thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 30-8-1984).
Một số ý kiến “bảo vệ” cho rằng con tàu sẽ an toàn với những sửa chữa và cải tiến. Tuy nhiên, có một vấn đề vượt lên cuộc tranh cãi này: đó là thực tế Mỹ chưa có một loại tàu nào có thể thay thế đội tàu con thoi hiện nay cho đến 2012, và Mỹ không thể ngưng phóng các tàu thám hiểm không gian để Nga chiếm mất thế “thượng phong”.
Giải pháp sửa chữa và cải tiến tàu con thoi là điều kiện tối ưu hiện nay mà Mỹ buộc lòng phải chọn. Tàu con thoi Colombia bị tai nạn vào 2-2003 đã làm chết toàn bộ phi hành đoàn gồm bảy người. Theo điều tra, nguyên nhân chủ yếu do một miếng cách nhiệt của bình nhiên liệu rơi ra đã va vào cánh trái làm hỏng những tấm cách nhiệt khiến tàu nổ tung khi quay về Trái đất.
Dựa trên các hình ảnh ghi lại phần lớn những lần phóng, các kỹ sư của NASA đã có thể biết đâu là nguy cơ. Đáng lo ngại nhất là khả năng các tấm cách nhiệt của bồn chứa nhiên liệu bong ra hoặc những mẩu nước đá đóng trên các ống dẫn nhiên liệu rơi ra và va đập làm hỏng những tấm cách nhiệt của tàu con thoi. Sau một thời gian cải tiến và sửa chữa, lần bay thử nghiệm tháng 7-2005 cũng gặp tai nạn tương tự là miếng cách nhiệt trên bồn nhiên liệu rơi nhưng không va trúng thân tàu.
Từ đó đến nay sau nhiều lần trì hoãn và sửa chữa, NASA tin là đã có được một số cải tiến quan trọng có thể cho tiếp tục phóng tàu. Những cải tiến này như sau:
– Điều chỉnh bộ giá gắn tàu con thoi. Đây là bộ giá gắn tàu con thoi vào bình chứa nhiên liệu. Lớp cách nhiệt của bình nhiên liệu dày hơn. Thiết kế mới sẽ tránh để cho những miếng cách nhiệt này rơi và loại bỏ trường hợp đông đá bằng máy sưởi điện.
– Bồn chứa nhiên liệu, gồm oxy và hydro lỏng, cũng được nâng cấp nhằm tránh làm rơi các tấm cách nhiệt.
– Cải tiến phương pháp gắn tấm cách nhiệt, giảm các trường hợp rơi, bong tróc vốn là nguyên nhân chủ yếu và thường xảy ra trong các lần phóng.
– Cải tiến buloong nối. Theo thiết kế mới, những buloong nối đều được giữ lại khi hai tên lửa đẩy tách rời bồn chứa nhiên liệu.
– Ngay khi hai tên lửa đẩy tách khỏi bồn nhiên liệu, tên lửa phụ lập tức khai hỏa đẩy xa hai tên lửa này khỏi bồn chứa nhiên liệu cũng như tàu con thoi, tránh va chạm.
– Hai máy quay gắn ở hai tên lửa đẩy quan sát hai cánh và phần bụng tàu con thoi. Phim này sẽ, giống như cái “hộp đen”, giúp kiểm tra lại mọi việc, sau khi vớt hai tên lửa đẩy từ đại dương.
– NASA còn cho gắn chín máy quay mới. Một máy quay nhỏ gắn trên bồn nhiên liệu chuyển những hình ảnh trung thực của tàu con thoi và hai rìa cánh. Máy quay cũng thay đổi từ phim sang dạng kỹ thuật số, do vậy ảnh được truyền lập tức về Trái đất trong quá trình bay.
– Một chiếc cần có gắn máy quay và hệ thống kiểm tra laser được gắn ở cuối cánh tay máy. Điều này giúp tăng độ vươn xa gấp đôi của cánh tay máy vươn tới 100 feet. Phi hành gia dùng dụng cụ này kiểm tra những hỏng hóc bên ngoài tàu.
– Mỗi rìa cánh trước tàu được gắn 22 cảm biến nhiệt để đo nhiệt độ. Mỗi cánh gắn 66 dụng cụ đo gia tốc để phát hiện những vị trí và sức mạnh của các va đập. Ngoài ra, cảm biến nhiệt cũng được gắn vào bộ giá và cảm biến độ rung gắn vào bồn chứa nhiên liệu. Dữ liệu từ những cảm biến này được sử dụng để tính toán hiệu suất an toàn cho bồn chứa.
– Khi tàu quay về Trái đất, kỹ thuật viên dùng phương nhiệt phổ kiểm tra từng ô do nhiệt xuất hiện trên rìa trước cánh tàu con thoi, kiểm tra các vết cháy, vết nổ, các vết rạn nứt trong quá trình tiếp cận Trái đất trong nhiệt độ cao khủng khiếp.
– Trên tàu có gắn 24.300 tấm cách nhiệt. Để sửa chữa những hư hỏng nhỏ trên những tấm này, phi hành gia có thể trét một chất màu xám lên những chỗ hư hỏng, giống như ống xịt keo, làm tăng khả năng chịu đựng của tấm cách nhiệt trong quá trình quay về Trái đất.
– Để sửa những hư hỏng nhỏ trên đôi cánh, các phi hành gia có thể sử dụng một súng phun để bơm một chất giống như vữa vào các chỗ rạn nứt. Sau khi trét chất màu đen chịu nhiệt này, có thể dùng một loại dao đặc biệt làm láng bề mặt vết nứt. Để vá một lỗ thủng ở tấm cacbon, nay có thể đặt những lớp vá gọi là RCC để dán kín và điều chỉnh các chốt.
– Với những lỗ hổng trên các tấm cách nhiệt, dùng một dụng cụ như tấm phủ. Đây là một loại vật liệu có thể uốn bằng cacbon silicon carbide gắn lên lỗ thủng bằng vít.
– Để bảo vệ các ống dẫn oxy lỏng (tổng cộng có năm đường dẫn vào buồng đốt) vốn dễ bị đóng băng, những ống kim loại trước kia để trần, nay được bảo vệ bằng những chất gel đặc biệt và một lớp vỏ bằng sợi thủy tinh.
NASA tin rằng với chừng đó cải tiến, tàu Discovery sẽ có thể an toàn bay lên không gian và trở về.
NGÔ ĐƯỢC
Theo Tuổi Trẻ Online