Hơn 1 tuần sau khi đi vào quỹ đạo sao Mộc (Jupiter), tàu vũ trụ Juno của NASA đã gửi hình ảnh đầu tiên mà nó chụp được về lại Trái đất. Ở khoảng cách hơn 4,3 triệu cây số, máy ảnh JunoCam được trang bị trên tàu chụp được bức ảnh cho thấy vết đỏ khổng lồ Great Red Spot nổi tiếng, cũng như 3 trên 4 mặt trăng lớn nhất của hành tinh, bao gồm: Io, Europa và Ganymede. Mặt trăng lớn thứ hai của Jupiter là Callisto không nằm trong tầm quan sát của camera.
Trong khi những hình ảnh độ phân giải cao của khối khí khổng lồ mang tên sao Mộc phải mất vài tuần nữa mới về đến mặt đất, các nhà khoa học tỏ ra rất hài lòng với hình ảnh đầu tiên ghi nhận được. “Hình chụp từ JunoCam cho thấy thiết bị đã sống sót trong môi trường bức xạ cực đoan của sao Mộc. Nó không hề bị hư hao và đã sẵn sàng để chụp ảnh sao Mộc”, Scott Bolton, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Tây Nam ở San Antonio (Mỹ), cho biết.
Ảnh chụp sao Mộc mà tàu Juno gửi về Trái Đất.
Tàu vũ trụ Juno hiện đang di chuyển xung quanh Jupiter trên một quỹ đạo hình vòng cung lớn, nhưng sẽ tiếp cận gần hơn với bề mặt hành tinh một lần nữa vào tháng 8 tới, cho phép JunoCam chụp ảnh một cách cận cảnh hơn.
Juno được phóng lên không gian vào năm 2011, là tàu vũ trụ thứ hai đi vào quỹ đạo sao Mộc sau Galileo – tàu vũ trụ không người lái đã quay quanh hành tinh này trong những năm 1995-2003. Sau 5 năm di chuyển không biết mệt mỏi, với quãng đường đi được lên đến 2,8 tỷ km, Juno cuối cùng đã có thể đi vào quỹ đạo Mộc tinh vào ngày 5/7 vừa qua.
Mục đích của Juno là giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về hành tinh lớn nhất trong Hệ mặt trời của chúng ta, và cũng là hành tinh thứ 5 tính từ Mặt trời. Sứ mệnh Juno là sẽ kết thúc vào năm 2018, khi tàu vũ trụ này đâm vào bề mặt hành tinh, đảm bảo nó sẽ không gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho các mặt trăng của sao Mộc.
Theo Tinh Tế