Tàu Titanic gặp nạn “do siêu trăng”

Tàu Titanic gặp nạn

Chỉ vài tuần trước lễ kỷ niệm 100 năm vụ đắm của con tàu Titanic huyền thoại, các nhà khoa học Mỹ phát hiện mặt trăng có thể là thủ phạm gián tiếp trong thảm họa.

Những người từng xem phim Titanic đều biết chiếc tàu siêu sang khổng lồ chìm vào ngày 14/4/1912 do đâm trúng một tảng băng lớn cách đảo Newfoundland của Canada khoảng 640km. Nó chìm hẳn xuống đại dương vào sáng hôm sau, mang theo sinh mạng của 1.517 người, bao gồm thuyền trưởng Edward Smith.

Smith là thuyền trưởng cừ khôi nhất của hãng White Star Line, công ty sở hữu tàu Titanic. Ông từng điều khiển vô số chuyến tàu ở phía bắc Đại Tây Dương. White Star Line giao trọng trách điều khiển tàu Tintanic cho Smith vì công ty tin rằng ông là người giàu kinh nghiệm và cẩn thận.

Donand Olson, một nhà thiên văn của Đại học Texas tại Mỹ, nói Titanic chìm vào một đêm không trăng, song tảng băng mà tàu đâm trúng đã dạt vào hải trình của tàu do hiện tượng trăng tròn từ ba tháng rưỡi trước đó.


Hình minh họa vụ đắm tàu Titanic trên Đại Tây Dương vào rạng sáng ngày 15/4/1912.

“Có thể hiện tượng trăng tròn vào hôm 4/1/1912 đã tạo ra những đợt sóng mạnh trên đại dương khiến các tảng băng trôi về phía nam. Chúng lọt vào hải trình của tàu Titanic”, Olson giải thích.

Mùa xuân năm 1912 là giai đoạn mà số lượng băng ở phía bắc Đại Tây Dương bùng nổ, song tới tận ngày nay giới khoa học vẫn chưa giải thích được hiện tượng bất thường đó. Olson tin rằng sự bùng nổ của băng vào mùa xuân năm 1912 là kết quả của hiện tượng “siêu trăng”, nghĩa là trăng tròn trong tháng mà nó tới gần trái đất nhất.

Trong “siêu trăng” vào hôm 4/1/2012, mặt trăng, mặt trời và trái đất xếp thẳng hàng. Tình trạng ấy khiến mặt trời và mặt trăng làm tăng lực hút của nhau đối với trái đất. Kết quả là những đợt thủy triều thấp trở nên thấp hơn, còn những đợt thủy triều cao lại càng cao hơn so với lúc bình thường.

Ngoài ra, cũng trong hôm 4/1/1912, hiện tượng trăng tròn kết thúc đúng 6 phút trước khi mặt trăng tới điểm gần địa cầu nhất. Lúc ấy khoảng cách giữa địa cầu và mặt trăng đạt giá trị nhỏ nhất kể từ năm 796 sau Công nguyên. Cự ly ngắn bất thường giữa mặt trăng và trái đất cộng với tình trạng xếp thẳng hàng của mặt trăng, trái đất, mặt trời khiến lực hút lên địa cầu tăng vọt, dẫn tới sự hình thành của thủy triều cực lớn.

Dù chịu tác động của sóng cực mạnh, những khối băng di chuyển tương đối chậm. Những tảng băng hình thành hôm 14/4/1912 ở phía bắc Đại Tây Dương không có đủ thời gian để lọt vào hải trình của tàu Titanic, Olson cùng đồng nghiệp khẳng định.

Tuy nhiên, những khối băng hình thành trước hôm tàu gặp nạn đã chìm trong những vùng nước nông gần đảo Newfoundland và bán đảo Labrado của Canada. Thông thường những tảng băng đó chìm vì chúng quá nặng. Khi khối lượng đủ nhỏ trong quá trình tan chảy chúng sẽ nổi lên.

“Nhưng khi thủy triều mạnh ập tới, những tảng băng lớn sẽ nổi lên sớm hơn so với lúc bình thường. Có lẽ rất nhiều tảng băng khổng lồ đã đồng loạt ngoi lên vào hôm 14/4/1912 nhờ sự hỗ trợ của thủy triều lớn”, Olson nói.

 

Theo Vnexpress