Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), ngày 26/10, thông báo tàu vũ trụ tự hành Cassini sẽ thực hiện một chuyến bay xuyên qua luồng hơi nước được phun ra từ một đại dương nằm dưới bề mặt mặt trăng Enceladus của sao Thổ, với hy vọng tìm thấy những bằng chứng cho thấy sự sống có thể tồn tại.
Tàu Cassini bay xuyên qua luồng hơi nước trên mặt trăng Enceladus
Theo thông báo, tàu vũ trụ Cassini sẽ thực hiện sứ mệnh trên vào lúc 22 giờ tối 28/10 tới (theo giờ Việt Nam) và sẽ bay cách bề mặt khu vực cực Nam của Enceladus 48km. Chuyến đi này sẽ cho phép tàu Cassini thu được những thông số đo đạc chính xác hơn về thành phần cấu tạo của luồng hơi nước cũng như những thông tin mới nhất về đại dương ngầm trên Enceladus.
Luồng hơi nước được phun ra từ một đại dương nằm dưới bề mặt mặt trăng Enceladus của sao Thổ. (Nguồn: NASA).
Các nhà khoa học cũng hy vọng chuyến bay này của Cassini sẽ giúp họ xác định các loại phân tử hữu cơ phức tạp trên Enceladus, song thừa nhận khó có thể phát hiện sự sống vẫn còn tồn tại.
Enceladus là một mặt trăng nhỏ của sao Thổ, với đường kính gần 500km. Năm 2005, tàu Cassini đã phát hiện rằng tại đoạn nứt gãy có tên gọi “vằn hổ” ở cực Nam hành tinh này đã xảy ra một đợt phun trào hơi nước giàu muối khoáng.
Cassini cũng đã phát hiện các phân tử hữu cơ, có thể đến từ các nguồn sinh học gần “vằn hổ”. Sau nhiều năm quan sát, NASA hồi đầu năm nay đã công bố phát hiện tồn tại một đại dương ngầm dưới các lớp băng dày trên mặt trăng của sao Thổ.
Theo các nhà khoa học, đại dương ngầm có thể là nơi thuận lợi cho sự sống phát triển dưới những điều kiện phù hợp.
Ngoài Enceladus của sao Thổ, các nhà khoa học đã phát hiện các đại dương nằm dưới bề mặt mặt trăng Europa và Ganymede của sao Mộc. Các nhà khoa học cũng tin rằng có nước ngầm trên mặt trăng Callisto của sao Mộc, mở thêm hy vọng tìm kiếm những nơi trong hệ Mặt Trời phù hợp cho sự sống tồn tại.
Theo TTXVN/VIETNAM+