‘Tây lương nữ quốc’ trong thế giới kiến

Các nhà khoa học Mỹ vừa tìm thấy một loài kiến nhiệt đới sinh sản không cần giao phối với con đực. Tổ của chúng chỉ toàn kiến cái. 

Một con kiến Mycocepurus smithii. Ảnh: Telegraph.

Tiến sĩ Anna Himler, một nhà sinh vật học của Đại học Arizona (Mỹ) và cộng sự phát hiện loài kiến toàn cá thể cái trong rừng Amazon ở Nam Mỹ. Đó là loài Mycocepurus smithii. Các phân tích ADN cho thấy, gene của toàn bộ kiến trong tổ có cấu trúc giống hệt gene kiến chúa, nghĩa là kiến chúa đã tự nhân bản để tạo ra các thành viên trong đàn. Khi tiến hành giải phẫu kiến cái, các chuyên gia nhận thấy chúng không thể giao phối vì một bộ phận quan trọng trong hệ thống sinh sản của chúng đã thoái hóa.

Sinh sản vô tính (không cần giao phối) là hiện tượng khá phổ biến trong thế giới kiến, nhưng đây là lần đầu tiên giới khoa học tìm thấy một loài không có cá thể đực. Một số loài kiến vẫn tạo ra con đực từ trứng không được thụ tinh, song “sản xuất” cá thể cái từ những quả trứng như vậy là chuyện cực hiếm.

“Những loài côn trùng sống tập thể có nhiều kiểu sinh sản, nhưng Mycocepurus smithii là loài có kiểu sinh sản đặc biệt nhất mà chúng ta từng biết”, Himler nhận xét. Theo ông, cuộc sống không tình dục mang đến một vài lợi thế đối với kiến như chúng sẽ không bao giờ rơi vào trạng thái căng thẳng do phải tìm kiếm con đực để giao phối. Do các cá thể cái không phải tranh giành con đực, tình trạng hòa bình trong tổ kiến sẽ được duy trì vĩnh viễn.

“Do không phải tạo ra con đực, số lượng kiến cái sẽ tăng gấp đôi trong mỗi lần sinh nở”, Himler nói. Từ trước tới nay giới khoa học vẫn cho rằng sinh sản vô tính đi ngược lại quy luật tiến hóa vì nó triệt tiêu hiện tượng biến đổi gene – một nhân tố cần thiết cho sự tồn tại của muôn loài.

“Sinh sản hữu tính (có giao phối) lại mang tới nhiều lợi ích to lớn cho thế hệ sau nhờ sự kết hợp giữa các gene. Nguồn gene của bạn càng đa dạng thì bạn càng dễ chống chọi với bệnh tật và các loài ký sinh. Trong một tổ kiến sinh sản vô tính, nếu một cá thể bị ký sinh trùng tấn công, toàn bộ thành viên trong tổ cũng sẽ nhiễm bệnh. Nếu bạn được tạo ra bằng phương pháp đó, bạn sẽ không thể sống lâu”, Laurent Keller, một chuyên gia về côn trùng của Đại học of Lausanne (Mỹ), giải thích.

Giáo sư Keller cũng chỉ ra rằng các loài côn trùng xã hội, như kiến, có thể nhanh chóng thích nghi với kiểu sinh sản vô tính vì nó cho phép kiến chúa kiểm soát giới tính của toàn bộ “thần dân” trong đàn.

Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Himler sẽ tiếp tục tìm hiểu để xem vi khuẩn có phải là nguyên nhân khiến kiến sinh sản vô tính hay không. Ngoài ra, họ cũng sẽ sử dụng kháng sinh và thay đổi thức ăn của kiến Mycocepurus smithii (nấm) với hy vọng biện pháp đó có thể giúp chúng tạo ra con đực.

 

Theo VnExpress (BBC)