Từ đầu năm đến nay, có 245 con tê giác ở Nam Phi bị giết lấy sừng. Nhu cầu sừng tê ngày càng tăng bởi nhiều người tin, một cách vô căn cứ, rằng nó giúp chữa bách bệnh.
>>>Nam Phi chống săn trộm tê giác bằng chip và DNA
Công viên quốc gia Kruger phía đông bắc Nam Phi là nơi những tay săn trộm tấn công nhiều nhất, khiến số lượng tê giác ở đây ảnh hưởng nặng nề, với 147 con bị giết hại, AFP dẫn Bộ Môi trường cho biết trong một tuyến bố.
Từ đầu năm đến nay, cảnh sát Nam Phi bắt giữ 161 nghi phạm, trong đó 138 kẻ săn trộm có liên quan tới những cái chết của các con tê giác.
Tê giác bị giết ở Nam Phi ngày càng gia tăng
Hiện có khoảng 70-80% số lượng tê giác trên thế giới sống ở Nam Phi, vì thế những kẻ săn trộm thường tới đất nước này săn tê giác. Năm ngoái, tại Nam Phi, có 448 tê giác bị giết. Năm 2010 là 333 con, năm 2007 chỉ 17 con tê giác chết. Để ngăn chặn tình trạng trên, giới chức Nam Phi không ngừng đưa ra các biện pháp như triển khai quân đội tuần tra, sử dụng vi chip vào tê giác để theo dõi. Tuy nhiên, theo ông Joseph Okori, điều phối viên chương trình bảo vệ tê giác của WWF tại châu Phi, kẻ săn trộm luôn đối phó bằng cách sử dụng những thủ đoạn tinh vi như dùng máy bay trực thăng và sử dụng vũ khí tự động.
Sừng tê giác sẽ được tay săn bắn đưa về thị trường đen ở châu Á, nơi nhiều người tin rằng, sừng tê giác có khả năng chữa bách bệnh. Vì thế mà giá tê giác ở chợ đen lên rất cao, đắt ngang với vàng.
Con tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam đã chết trong vườn quốc gia Cát Tiên vào năm 2010 bất chấp nỗ lực bảo vệ của chính phủ. Ở Việt Nam, nhu cầu tìm mua sừng tê ngày càng cao, đây được coi là mặt hàng xa xỉ và người ta tin là nó có thể giải độc và chữa ung thư. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh cho những tin đồn này.
Mới đây, Nam Phi kêu gọi Việt Nam tăng cường hợp tác chống hoạt động buôn lậu sừng tê giác sau khi một số lượng lớn tê giác bị sát hại trong vài tháng đầu năm.
Giới chức Mỹ và các chuyên gia quốc tế về động vật hoang dã khẳng định nhu cầu tăng vọt tại Việt Nam trong thời gian gần đây mới là yếu tố tạo nên áp lực lớn chưa từng có đối với khoảng 28.000 con tê giác còn sống trên toàn thế giới. Phần lớn số tê giác này sống tại Nam Phi.
Lợi nhuận từ sừng tê giác lớn hơn nhiều so với các sản phẩm khác từ động vật hoang dã, như mật gấu hay cao hổ. Các quan chức Mỹ cho hay, một kg bột sừng tê giác có thể được bán với giá tới 55.000 USD (hơn 1,1 tỷ đồng). Bột sừng tê giác có giá trị ngang với vàng.
Tháng 4 năm nay, một người đàn ông quốc tịch Việt Nam bị bắt khi đang chuẩn bị rời khỏi Nam Phi với ba sừng tê giác. Những chiếc sừng có trọng lượng tổng cộng là 13,9kg, tương đương với 7,5 triệu rand Nam Phi (900.000 USD) theo giá thị trường.
Đầu tháng 6, một người Việt Nam bị bắt tại sân bay Maputo, Mozambique. Trong vali của người đàn ông này có 7 chiếc sừng tê giác, trị giá 2 triệu USD. Ngoài ra anh ta còn đem theo 3 chiếc vòng bằng ngà voi.
Theo VNE