Giới chức hai tỉnh phía đông Trung Quốc thông báo họ sẽ thả 20 triệu con cá ăn tảo vào một trong những hồ đẹp nhất đất nước để làm sạch nguồn nước tại đây.
Thái Hồ là một trong những hồ nước ngọt đẹp và rộng nhất tại Trung Quốc. Ảnh: yoyochina.net.
Thái Hồ (nghĩa là hồ lớn) là một hồ thuộc đồng bằng châu thổ sông Dương Tử, nằm giữa ranh giới hai tỉnh Giang Tô và Chiết Giang của Trung Quốc. Với diện tích 2.250 km2, đây là một trong 4 hồ nước ngọt lớn nhất tại Trung Quốc. Trong hồ có khoảng 90 đảo với kích thước đa dạng – từ vài gang tay tới vài km.
Trong những năm gần đây Thái Hồ bị ô nhiễm nặng nề bởi chất thải công nghiệp và nông nghiệp. Nước bẩn trong hồ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của một loài tảo độc. Sự hiện diện của tảo khiến cản trở khả năng tiếp nhận ánh sáng mặt trời của nước và hoạt động hô hấp của sinh vật trong hồ.
Theo AFP, giới chức tỉnh Chiết Giang và Giang Tô từng thả 10 triệu cá chép xanh và cá mè trắng để làm sạch hồ vào tháng 2 năm ngoái, sau khi tảo làm bẩn nguồn cung cấp nước cho hàng triệu người dân.
Nhưng tình trạng ô nhiễm nước trong hồ khiến tảo độc sinh sôi rất mạnh. Ảnh: mep.gov.cn.
Ban quản lý Thái Hồ hôm qua cho biết, khoảng 20 triệu con cá ăn tảo sẽ tiếp tục được thả xuống hồ trong vài ngày tới. Chi phí cho chiến dịch thả cá lên tới 1,3 triệu USD. Chính phủ và người dân đã quyên tiền cho chiến dịch này.
Mỗi con cá mè trắng có thể ăn 50 kg tảo và các loại sinh vật phù du khác trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, trọng lượng của nó chỉ tăng thêm 1 kg trong suốt quá trình đó.
Sự bành trướng của tảo khá phổ biến ở các hồ nước ngọt tại Trung Quốc. Nguyên nhân chính khiến tảo phát triển mạnh là những nguồn nước thải không được xử lý có nồng độ nitơ cao. Nitơ là thành phần chính trong phân bón hóa học và chất tẩy rửa.
Theo VnExpress