Các nhà khoa học đã di dời thành công hai con voọc Cát Bà về vườn quốc gia để chúng có điều kiện sinh sản, tránh nguy cơ tuyệt chủng loài động vật đặc hữu của Việt Nam.
Voọc Cát Bà |
Dự án Bảo tồn voọc Cát Bà đưa ra thông báo trên hôm qua. Hai con voọc cái di chuyển từ khu vực gần đảo Đồng Công tới vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Cát Bà.
Những con voọc bị cô lập tại đảo Đồng Công trong nhiều năm khi rừng ngập mặn được sử dụng như một chiếc cầu nối tự nhiên tới đảo chính bị phá huỷ làm đầm nuôi tôm, không còn con đực nào trên đảo, voọc cái không thể sinh sản. Các nhà bảo tồn hy vọng khi chúng tới vườn quốc gia, nơi được bảo vệ nghiêm ngặt và có các con đực sinh sống, voọc cái sẽ bắt đầu sinh sản.
Để bắt voọc, một bác sĩ thú y nhiều kinh nghiệm về động vật hoang dã leo lên cửa hàng cao 15 m bắn thuốc mê khi chúng đang ở trong hang ngủ. Sau đó, các chuyên gia chuyển chúng xuống bằng một cái giỏ cho bác sĩ kiểm tra sức khỏe và lắp thiết bị GPS vào cổ. Thiết bị này cho phép các nhà khoa học thu thập thông tin về sự di chuyển, thói quen và sinh sản của voọc trong hai năm.
Tiếp đó, nhóm chuyên gia đưa hai con voọc sang chiếc thuyền nhỏ để băng qua một đầm nuôi tôm tới nơi có xuồng cao tốc và chuyển chúng đến khu vực thả. Hai con voọc về tự nhiên trong điều kiện sức khỏe tốt.
Voọc Cát Bà có tên khoa học là Trachypithecus poliocephalus poliocephalus, là loài linh trưởng (khỉ ăn lá) quý hiếm. Chúng tồn tại một nơi duy nhất là quần đảo Cát Bà, Hải Phòng. Loài này liên tục nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.
Theo VNE