Pongour là ngọn thác đẹp và hùng vĩ thuộc xã Tân Thành, Đức Trọng, cách Đà Lạt 40km. Trong sách địa lý, người ta giải thích rằng Pongour theo tiếng Tây Nguyên có nghĩa là Sừng tê giác, có lẽ vì mặt thác trải rộng, uốn cong hình cánh cung và hùng dũng lạ thường.
Ngày xưa, vùng đất Phú Hội – Tân Hội – Tân Thành bây giờ do một nữ tù trưởng K’Ho xin đẹp tên là Kanai cai quản. Nàng có tài chinh phục thú dữ phục vụ lợi ích con người, trong đó có bốn con tê giác to lớn khác thường, luôn tuân lệnh Kanai dời non ngăn suối, khai phá nương rẫy trồng bắp, gieo lúa và sẵn sàng xung trận chiến đấu chống kẻ thù, bảo vệ buôn làng. Khi Kanai trút hơi thở cuối cùng, bốn con tê giác quanh quẩn đêm ngày không rời không buồn ăn uống cho đến chết… Tại nơi nàng yên nghỉ suất hiện một ngọn thác đẹp tuyệt trần. Thì ra, suối tóc Kanai đã hoá thành làn nước trong xanh, mát rượi, tung bọt trắng xoá, còn những phiến đá bàn xanh rêu xếp từ cao xuống thấp, làm nền cho thác đổ, chính là các cặp sừng của đàn tê giác hoá thạch – biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, gắn bó vĩnh cửu giữa con người với thiên nhiên bao la.
Thác Pongour còn được gọi là thác Bảy tầng
Thác Pongour còn được gọi là thác Bảy tầng, cao đến 40m, rộng chừng 150m. đi dưới tán cây rừng theo các con đường mòn đến gần chân thác, leo theo các tảng đá rải rác như quân cờ trên mặt sông, đến thật gần những thác bọt trắng xoá chui qua những đám mây nước như mưa rào để sang bên kia bờ sông. Dù ở đâu chăng nữa, cả đất trời Pongour luôn được ngâm trong âm vang không dứt của tiếng thác rền. Lúc đầu tiếng thác đổ làm ta xốn xang, lâu dần bỗng như quen với tiếng thác và người ta thấy như sờ được vào sự chảy trôi bất tận không ngưng nghỉ của thời gian vô hình vô ảnh. Không ở đâu, cảm xúc này rõ nét và thấm thía như ở Pongour.