Thắc mắc thường gặp khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật

Có vô vàn các tài liệu hướng dẫn về ăn dặm kiểu Nhật, các diễn đàn bàn luận về phương pháp này cũng được lập ra rất nhiều để các mẹ thỏa sức chia sẻ, thắc mắc. Những câu hỏi thường gặp về ăn dặm kiểu Nhật sau đây sẽ giúp các mẹ có cái nhìn tổng quan về phương pháp này.

Khi nào cho bé ăn dặm?

Thời điểm nào cho bé ăn dặm là thắc mắc thường gặp, phổ biến nhất của các bà mẹ nuôi con lần đầu. Thông thường thời điểm thích hợp cho bé ăn dặm khi bé bước vào tháng thứ 5 hoặc thứ 6.

Mẹ cũng nên chú ý đến các dấu hiệu bé muốn ăn dặm như bé tỏ ra thích thú với các món ăn ngoài sữa, bé đã có thể tự ngồi hay bé sẵn sàng nhận thức ăn lạ từ thìa.

Ăn dặm có mấy giai đoạn?

Ăn dặm kiểu Nhật được chia thành các giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: từ 5 đến 6 tháng tuổi

Giai đoạn 2: từ 7 đến 8 tháng tuổi

Giai đoạn 3: từ 9 đến 11 tháng tuổi

Giai đoạn 4: từ 12 đến 15 tháng tuổi

Độ thô và độ mềm của thức ăn theo từng giai đoạn

Giai đoạn 1: Đây là giai đoạn bé bắt đầu ăn dặm. Ở giai đoạn này, quan trọng và chủ yếu là tập cho bé thói quen ăn bằng thìa và làm quen với các vị thức ăn ngoài sữa. Thức ăn được chế biến thành dạng bột và sánh để bé dễ ăn và nuốt.

Giai đoạn 2:Ở giai đoạn này, bé tập dùng lưỡi đưa thức ăn để nuốt. Thức ăn được ninh mềm hoặc nghiền để bé có thể làm tan thức ăn bằng lưỡi.

Giai đoạn 3:Giai đoạn này bé đã biết nhai trệu trạo. Mẹ có thể tăng độ thô cho bé, cắt thức ăn to khoảng 0.5 cm, dài khoảng 2-3 cm để bé tự do bốc ăn.

Giai đoạn 4:Giai đoạn bé đã có nhiều răng và có thể nhai những thức ăn cứng hơn và to hơn.

Ăn dặm kiểu Nhật có cần thêm dầu ăn?

>> 5 loại thực phẩm cực hại cho bé mới tập ăn dặm

Nhiều mẹ quen với việc nêm dầu ăn vào cháo, bột của bé theo như cách ăn dặm truyền thống, tuy nhiên ăn dặm kiểu Nhật lại không cần thêm dầu ăn cho đến khi bé được 9 tháng tuổi. Do người Nhật có thói quen ăn nhiều đậu phụ và cá – vốn là hai thực phẩm nhiều chất béo. Nếu mẹ không tìm đươc nguyên liệu của Nhật hoặc chế độ ăn không giống người Nhật thì cũng có thể thêm một chút dầu ăn (khoảng 2,5-5ml) vào phần ăn của bé. Các loại dầu ăn tốt cho bé mẹ nên mua như dầu oliu, dầu gấc, dầu quả bơ, dầu hướng dương, dầu đậu nành…

Các loại nước dùng để chế biến thức ăn cho bé

Người Nhật thường dùng nước dashi hoặc nước rau luộc để chế biến thức ăn cho bé. Nước dashi được nấu từ rong biển khô và cá ngừ khô bào mỏng nên rất giàu canxi cho bé. Nước rau luộc rất ngon ngọt, nhiều vitamin nên bé nào cũng thích.

Có cần nêm gia vị vào thức ăn của bé

Nguyên tắc mẹ cần nhớ là không nêm bất cứ loại gia vị nào vào đồ ăn của bé. Giai đoạn này, lượng muối có sẵn trong thực phẩm là quá đủ cho bé, nên mẹ không cần phải nêm muối vào.  

Xem thêm

Món ngon cho bé

Việt Hà

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.