Thái Bình có hơn 50km đường bờ biển với 5 cửa sông lớn đổ ra biển tạo nên vùng bãi triều rộng trên 16.000 ha cùng hàng ngàn ha rừng sú, vẹt phía ngoài đê biển kết hợp với nuôi thủy sản, trồng rừng ngập mặn, du lịch sinh thái… là những tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển.
Nhiều năm qua, biển và các vùng bờ biển trong tỉnh là nơi tập trung các khu công nghiệp, vùng đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản, các hoạt động cảng biển hàng hải và du lịch. Tuy nhiên, cùng với các hoạt động trên là sự gia tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên, nuôi trồng thủy sản chưa gắn với bảo vệ môi trường, khai thác thủy sản gần bờ còn mang tính hủy diệt… gây sức ép lớn đến môi trường và làm suy thoái tài nguyên biển và ven biển. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường biển ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người, hệ sinh thái và môi trường ven biển.
Theo báo cáo tổng hợp đánh giá hiện trạng môi trường khu công nghiệp khí mỏ Tiền Hải của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình, nồng độ khí thải CO, SO2, NH3, bụi và độ ồn đều vượt tiêu chuẩn cho phép; nước thải tại một số điểm thải từ khu công nghiệp có các thông số SS, COD, BOD5, coliform vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 – 10 lần. Hàm lượng các chất ô nhiễm trong nguồn nước tiếp nhận nước thải tại các sông Long Hầu, Kiên Giang các thông số trên cũng vượt tiêu chuẩn từ 3 – 6 lần; cá biệt đã có mẫu phát hiện dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng Asen, cadimi.
Biển Đồng Châu thuộc huyện Tiền Hải, Thái Bình. (Ảnh: Internet)
Cùng với nguyên nhân chủ yếu do các hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn gây ra, ô nhiễm môi trường do hoạt động nông nghiệp thải ra các sông tiếp nhận cũng rất lớn. Ngoài những nguyên nhân trên, ô nhiễm môi trường từ các hoạt động du lịch, cơ sở sản xuất, chế biến, nuôi trồng thủy hải sản cũng khá nghiêm trọng.
Theo Chi cục biển và hải đảo Thái Bình, những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường biển ở Thái Bình được quan tâm chú trọng thực hiện. Đến nay, tỉnh đã triển khai xây dựng: Chương trình, kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; xây dựng 15 điểm quan trắc nước biển ven bờ, thường xuyên thực hiện lấy mẫu, quan trắc, phân tích đánh giá chất lượng môi trường nước biển ven bờ của tỉnh, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hiện tượng gây ô nhiễm môi trường nước biển, bảo vệ sản xuất nuôi trồng thủy sản ở vùng bãi triều ven biển. Ngoài ra, còn tiến hành điều tra các nguồn thải từ lục địa ra biển, phục vụ xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý ô nhiễm biển và vùng biển ven bờ do nguồn thải từ lục địa gây ra.
Tỉnh còn tăng cường hợp tác, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế trong hoạt động điều tra, khảo sát và bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái biển và ven biển theo hướng bền vững; quy hoạch và phát triển các khu bảo tồn, đặc biệt là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải… Năm 2008, vùng cửa sông ven biển thuộc huyện Tiền Hải đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Châu thổ sông Hồng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ, khai thác phát triển kinh tế biển của tỉnh.
Tuy nhiên, đứng trước thách thức về biến đổi khí hậu, về bảo vệ chủ quyền biển, đảo; sự suy giảm các nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển; tình trạng ô nhiễm cục bộ môi trường biển hiện nay… các cấp, các ngành và toàn xã hội cần quan tâm vào cuộc mạnh mẽ hơn, cùng chung tay giữ sạch môi trường biển.
Nhân Ngày Môi trường Thế giới, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày Đại dương Thế giới, Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam diễn ra trong tháng 6/2013, Thái Bình tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như ra quân thu dọn vệ sinh làm sạch môi trường bờ biển, đặt các thùng thu gom rác tại bãi biển Cồn Vành, xã Nam Phú (huyện Tiền Hải)… đồng thời, đẩy mạnh công tác tổ chức thực hiện chiến lược phát triển bền vững biển, ven biển góp phần gìn giữ môi trường biển, nâng cao chất lượng cuộc sống và sinh kế cho cộng đồng ven biển.
Theo Báo Tin Tức