Từ năm 1991, Thái Lan đưa ra kế hoạch loại bỏ dần chì, sulfur và các chất độc hại khác ra khỏi xăng dầu sử dụng hằng ngày.
Ông Piyasvasti Amranand, người hiện đang là bộ trưởng môi trường, cho biết lúc đó ông đã gặp phải sự phản đối gay gắt từ các công ty dầu phương Tây và các nhà sản xuất ôtô của Nhật Bản. Tuy vậy nhờ sự quyết tâm, chỉ đến năm 1995, Thái Lan đã hoàn toàn loại bỏ các loại xăng có chì.
Nhờ đó tỉ lệ trẻ em nhiễm chì trong máu ở mức cao (100 microgram/lít máu) tại Bangkok đã giảm từ 28% năm 1993 xuống chỉ còn 3% trong năm 2000. Cựu thị trưởng Bangkok Bhichit Rattakul khi nhậm chức từ năm 1996 đã cho trồng thêm 400.000 cây xanh ở đây và loại dần các loại xe tải gây ô nhiễm. Ông cũng từng có quyết định táo bạo khi quyết định biến một sân golf 18 lỗ ở ngoại vi thành phố thành một công viên khổng lồ, mặc dù lúc đó bị hàng trăm người chơi golf phản đối.
Chính quyền Thái Lan hiện khuyến khích các công ty dầu mỏ sản xuất các loại nhiên liệu sạch hơn, áp thuế cao để loại dần các xe máy hai thì vốn gây nhiều ô nhiễm và yêu cầu tất cả taxi ở đây chuyển sang chạy bằng gas để giảm ô nhiễm. Các chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả cao, như thường xuyên phun rửa thành phố để giảm bụi nội đô, các lò hỏa táng được yêu cầu chuyển từ phương pháp đốt củi sang lò đốt chạy bằng điện.
Dù càng ngày càng nhiều xe cộ nhưng môi trường ở
Bangkok vẫn không đáng ngại (Ảnh: TTO)
Kết quả của các quá trình này là mặc dù số lượng phương tiện ở Bangkok đã tăng 40% trong thập kỷ qua nhưng nồng độ của các loại khí ô nhiễm đã giảm tới 47%, từ 81 xuống còn 43 microgram trên một mét khối khí. Tỉ lệ này tuy hiện vẫn cao hơn chuẩn của châu Âu (40 microgram) nhưng đã dưới mức chuẩn của cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (50 microgram).
Rất nhiều chuyên gia về chất lượng không khí ở châu Á đều đánh giá thành công của Thái Lan là một kiểu mẫu trong cuộc chiến chống lại tình trạng ô nhiễm không khí cho nhiều nước khác.
THANH TUẤN
Theo IHT, AP, Tuổi trẻ