Nhiều người xem phân voi là chất thải. Còn anh Wanchai Asawawibulkij nhìn thấy đó là… giấy, và là cách giúp bảo tồn voi ở quê hương Thái Lan của anh
Tuy là con vật biểu tượng quốc gia của Thái Lan, số lượng voi ở nước này đang suy giảm dần. Theo cục Du lịch Thái Lan, có khoảng 100.000 con voi ở nước này vào đầu thế kỷ 20 nhưng sang thế kỷ mới chỉ còn khoảng 4.000 con. Trong số này chỉ có chừng 1.500 voi rừng và số này mỗi năm giảm đi từ 5 đến 10%.
Suốt lịch sử nước Thái, rất nhiều voi hoang được thuần hoá để giúp người khai thác gỗ, nhưng chính việc này lại góp phần làm voi tiêu vong khi môi trường sống hoang dã bị phá huỷ. Khi Thái Lan cấm khai thác gỗ để bảo vệ rừng từ năm 1989, voi “thất nghiệp” và sống trong điều kiện tồi tệ. Nhiều trung tâm bảo tồn và nuôi dưỡng voi được dựng lên để giúp những chú voi.
Một người dân địa phương đang giúp một du khách nước ngoài làm giấy thủ công từ chất xơ của phân voi ở trung tâm Bảo tồn voi Thái Lan, Chiang Mai. Ảnh: TL |
Trung tâm Bảo tồn voi Thái Lan (TECC) ở Chiang Mai được thành lập năm 1993 để giúp gìn giữ số lượng voi bằng cách khai thác du lịch sinh thái. Số voi ở đây hầu hết là cựu “lâm tặc”.
Anh Asawawibulkij từng làm tư vấn pháp lý ở Bangkok nhưng sau một lần viếng thăm TECC anh nảy ra ý định làm giấy thủ công khi nhìn thấy những bãi phân voi vương vãi khắp nơi này. Voi chủ yếu chỉ ăn thực vật, loại thức ăn này phần lớn có nhiều chất xơ và không tiêu hoá hoàn toàn trong ruột voi. Khối chất xơ được nghiền mềm này là nguyên liệu làm giấy tuyệt vời.
Asawawibulkij bỏ ra hai năm nghiên cứu hoàn thiện quy trình rồi bỏ nghề luật để mở công ty Elephant Dung Paper (EDP) năm 2001 chuyên sản xuất giấy thủ công từ phân voi. Nhà máy giấy EDP nằm ngay trong trung tâm TECC. Theo Asawawibulkij, một con voi mỗi ngày ăn khoảng 200kg thực phẩm và 50 con voi ở TECC mỗi ngày cho anh khoảng 3 tấn “nguyên liệu thô”. “Nguyên liệu” này được đun sôi suốt 5 giờ trong một bể chứa lớn. Đống chất xơ còn lại sau đó được xử lý bằng hydrogen peroxide, một loại chất tẩy thân thiện với môi trường.
Chất xơ đã làm sạch được cho vào máy đánh tơi đến độ cần thiết rồi nhuộm màu. Sau chừng 3 giờ đánh tơi, chất xơ được nén thành những bánh tròn. Mỗi bánh xơ này sẽ trở thành một tập giấy dày khổ 55 x 75cm. Những bánh xơ này được cho vào chậu, trộn nhuyễn với nước, phết lên những khung căng vải mành, rồi đem phơi nắng cho khô thành giấy. Giấy này sẽ dùng làm những vật lưu niệm như văn phòng phẩm, sổ tay, album ảnh… bán cho du khách đến TECC. Du khách nào thích có thể tự tay làm giấy theo kiểu này.
Phân voi ở TECC còn là nguyên liệu để sản xuất phân bón compost và khí đốt biogas. Quản tượng ở TECC dùng biogas này để làm nhiên liệu nấu nướng cho bản thân và cho du khách cắm trại qua đêm.
Dân làng được huy động tham gia làm các sản phẩm ấy và nhờ thế có nguồn thu nhập tốt. Mỗi năm, các sản phẩm từ phân voi mang lại khoảng 270.000 USD. Nhưng hưởng lợi nhất chính là những chú voi. Asawawibulkij gọi đó là: “Chu trình bảo tồn khép kín – voi giúp đỡ voi”.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị (Christian Science Monitor)